Cập nhật: Thứ năm 25/11/2021 - 07:09
Đến cuối tháng 10 năm nay, giải ngân nguồn vốn thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT266 đoạn từ ngã tư Sông Công đến ngã ba Điềm Thụy (Phú Bình) mới đạt 57%.
Đến cuối tháng 10 năm nay, giải ngân nguồn vốn thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT266 đoạn từ ngã tư Sông Công đến ngã ba Điềm Thụy (Phú Bình) mới đạt 57%.

Qua 10 tháng của năm nay, số vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn tỉnh là 3.161 tỷ đồng, đạt 59% tổng vốn được giao cả năm (so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này thấp hơn 4%). Trong khi đó, mục tiêu của tỉnh đề ra là giải ngân đạt 100% kế hoạch theo chỉ đạo của Trung ương. Vì vậy, nhiều giải pháp quyết liệt thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang được tỉnh cũng như các ban quản lý dự án, đơn vị chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Năm 2021, tổng số vốn đầu tư công của tỉnh là gần 5.467 tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm trước được kéo dài thời hạn thanh toán theo quy định là 238 tỷ đồng, còn lại là vốn kế hoạch năm nay. Theo dự ước của Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến cuối tháng 11, tổng số vốn giải ngân của toàn tỉnh sẽ đạt 3.817 tỷ đồng (trong đó có 135 tỷ đồng vốn kế hoạch năm trước), bằng 70% kế hoạch cả năm. Như vậy, nếu muốn hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, trong 1 tháng còn lại của năm, số vốn Thái Nguyên cần giải ngân rất lớn.

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, việc giải ngân vốn đầu tư công chưa năm nào không gặp phải khó khăn. Nhất là năm nay, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong nhiều tháng qua, khiến nhiều nhà thầu ngoài tỉnh (ở vùng có dịch) không thể tăng cường được thiết bị, nhân lực, nguyên vật liệu để triển khai công việc hoặc khi vào tỉnh phải thực hiện các biện pháp cách ly tập trung, tổ chức lại dây chuyền sản xuất, cách thức triển khai công việc để đảm bảo yêu cầu phòng dịch.

Ngoài ra, không ít nhà thầu còn bị suy giảm năng lực tài chính vì dịch COVID-19 và giá nguyên vật liệu (sắt, thép, xăng, dầu) tăng cao. Cùng với đó, một số dự án tiếp tục gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); có những dự án, chủ đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán… Những điều này đã khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ.

Công trình nhà lớp học 3 tầng (gồm 8 phòng học và các phòng chức năng) Trường Mầm non Xuân Phương (Phú Bình) đã hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn năm nay. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào đầu quý II/2022.

Theo ông Ngô Mạnh Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh: Năm nay, đơn vị  triển khai 8 dự án, với tổng nguồn vốn được phân bổ 451 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án chuyển tiếp, 3 dự án khởi công mới và 2 dự án chuẩn bị đầu tư. Đến thời điểm cuối tháng 10, Ban đã giải ngân được 70% tổng nguồn vốn được giao (316/451 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong số này, vẫn có dự án, tỷ lệ giải ngân mới đạt 21,6%. Nguyên nhân là do công tác GPMB chậm. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đã và đang triển khai, chúng tôi quyết tâm hoàn thành việc giải ngân theo đúng kế hoạch cả năm.

Còn bà Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Thái Nguyên – đơn vị chủ đầu tư Dự án xây dựng mới Bệnh viện cho biết: Mặc dù đến cuối tháng 10, đơn vị mới giải ngân được gần 9/68,5 tỷ đồng được giao năm nay (tổng số vốn của Dự án là 266 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2021-2025), nhưng trong tháng 11 này, đơn vị sẽ hoàn thành việc giải ngân, vì mọi thủ tục liên quan đến công tác giải ngân đều đã thực hiện xong. Trước đó, do các thủ tục liên quan đến đấu thầu đều cần có thời gian nên kết quả giải ngân mới đạt thấp.

Bên cạnh những công trình được cho là chắc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân, còn một số dự án đang phải chờ Trung ương có văn bản chính thức chấp thuận việc điều chỉnh giảm nguồn vốn theo đề xuất của tỉnh.

Cụ thể, theo Công văn số 4109/UBND-TH ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thái Nguyên xin điều chuyển giảm kế hoạch vốn nước ngoài với tổng số tiền là 249,8/593,9 tỷ đồng đối với 3 dự án: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, Phát triển tổng hợp đô thị động lực (T.P Thái Nguyên) và Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thái Nguyên.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, sở dĩ đơn vị phải xin điều chỉnh giảm vốn là do có gói thầu trong dự án chậm nhận được thỏa thuận khung từ Trung ương; có gói thầu khối lượng thi công thực tế giảm hơn so với dự kiến ban đầu. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhà thầu khó khăn trong việc di chuyển. Cùng với xin được chấp thuận điều chỉnh giảm, Sở cũng nỗ lực để giải ngân hết nguồn vốn còn lại.

Có thể nói, để việc giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch được giao, rất cần những giải pháp quyết liệt, trước hết là từ các chủ đầu tư, cũng như sự phối hợp hiệu quả của các sở, ngành liên quan và giữa chủ đầu tư với chính quyền các địa phương, nhất là trong công tác bồi thường GPMB.

Theo đại diện nhiều chủ đầu tư, thời gian còn lại của năm, các đơn vị đều đang nêu cao tinh thần quyết tâm và thái độ làm việc của toàn thể cán bộ, nhân viên cũng như các nhà thầu; xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện, giải ngân chi tiết cho từng dự án, từng gói thầu, nhà thầu để làm cơ sở theo dõi, kiểm tra, đôn đốc... 

Tại phiên họp thứ 4 của UBND tỉnh được tổ chức mới đây, việc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những vấn đề được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm. Theo đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động, tích cực và quyết liệt trong công tác triển khai thi công, nghiệm thu khối lượng thực hiện, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước để giải ngân nguồn vốn. 

Đặc biệt, đồng chí yêu cầu các chủ đầu tư cần nghiêm khắc với các nhà thầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Chủ đầu tư nào không hoàn thành việc giải ngân sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh…

Lê Trọng Hiệp