Chị Hường có dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, khi tiếp xúc chúng tôi cảm nhận được ở chị sự thân thiện, dễ gần. Tháng 12-2011, chị Hường bắt đầu làm việc tại Trạm Y tế xã Sảng Mộc. Chị chia sẻ: Là người bản địa nên tôi khá tự tin vì nắm chắc địa bàn và nhận được sự ủng hộ của bà con. Tuy vậy, những ngày đầu đi tuyên truyền, vận động người dân về công tác dân số, tôi vẫn còn tâm lý ngại ngùng do bản thân còn trẻ, kinh nghiệm chưa có.
Sảng Mộc là xã cùng cao đặc biệt khó khăn, có hơn 700 hộ dân với trên 2.800 nhân khẩu, sinh sống rải rác trên địa bàn rộng ở 10 xóm. Trong số đó có những xóm chưa có đường bê tông đến trung tâm xã. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, trình độ canh tác còn hạn chế nên mức sống thấp. Vì thế, việc thực hiện công tác dân số ở xã gặp khá nhiều khó khăn.
Những ngày mới bắt đầu công việc, chị Hường phải đi bộ để đến những xóm người Dao ở Tân Lập, Khuổi Chạo hay xóm người Mông ở Khuổi Mèo. Đặc biệt là xóm Khuổi Mèo với 100% đồng bào người dân tộc Mông sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế.
Chị Hường kể lại: Đồng bào Mông có tư tưởng “đông con nhiều của” nên để giúp bà con thay đổi nhận thức và tập quán sinh hoạt là điều rất khó. Tôi phải đi nhiều lần, đến từng nhà vận động bà con chỉ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt; xóa bỏ các tập tục lạc hậu: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh con tại nhà… Sau nhiều đến, cứ rỉ rả “mưa dầm thấm lâu”, bà con quen, tin rồi nghe theo.
Công việc của chị Hường cũng thường xuyên phải kết nối với đội ngũ cộng tác viên dân số để lập danh sách những đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình họ để có cách tuyên truyền, vận động phù hợp…
Chị nói: Trong thời buổi dịch bệnh hiện nay thì việc trao đổi thông tin diễn ra thường xuyên qua các phương tiện như điện thoại, các hội, nhóm Zalo, Facebook. Nội dung trao đổi là các tài liệu về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số như Pháp lệnh dân số, Luật Hôn nhân và gia đình. Tôi cũng chủ động phối hợp với chi hội phụ nữ các xóm, bản cùng lồng ghép tổ chức những buổi tuyên truyền để từng bước giúp người dân hiểu rõ lợi ích của công tác dân số - KHHGĐ.
Nhờ đóng góp không nhỏ của chị Hường, nhiều năm nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn xã Sảng Mộc đã giảm rõ rệt, từ 11% năm 2017 giảm xuống chỉ còn 6,7% năm 2021. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai luôn ở mức cao, gần 80%; tỷ lệ phụ nữ mang thai làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh đạt trên 80%...
Với sự cố gắng và kết quả của mình, chị Nguyễn Thị Hường là một trong những cá nhân tiêu biểu thường xuyên được tuyên dương trong các đợt chiến dịch truyền thông, góp phần làm chuyển biến tích cực công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện.