P.V: Bước vào mùa khô năm nay, ông nhận định những khu vực nào trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao?
Ông Lê Cẩm Long: Thái Nguyên hiện có trên 178.800ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó, rừng đặc dụng 36.300ha, rừng phòng hộ 43.000ha, rừng sản xuất hơn 99.500 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,6%, cao hơn 5,5% so với mức bình quân chung của cả nước.
Bước vào mùa khô, tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở một số địa phương được đánh giá ở mức cao đến rất cao. Diện tích rừng có nguy cơ dễ xảy ra cháy cao chủ yếu là rừng trồng thuần loài với các loài cây chủ yếu như keo, bạch đàn, thông và rừng tự nhiên hỗn giao tre nứa - gỗ, rừng tre nứa. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy rừng với diện tích bị thiệt hại là 5,3 ha.
P.V: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) hiện nay còn gặp khó khăn gì?
Ông Lê Cẩm Long: Nguyên nhân gây cháy rừng chủ yếu là do thời tiết khô hanh, thảm thực bì dày rất dễ bắt lửa. Thêm vào đó, do một số hộ dân trong tỉnh còn bất cẩn trong việc sử dụng lửa để xử lý thực bì trồng rừng.
Công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp những khó khăn đó, là: Lực lượng Kiểm lâm còn mỏng, địa bàn rộng, diện tích rừng lớn với địa hình hiểm trở, phức tạp. Bên cạnh đó, một số chủ rừng còn chủ quan và chưa trách nhiệm trong việc PCCCR trên diện tích được giao quản lý…
P.V: Trước thực trạng trên, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCCR được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Cẩm Long: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR cũng là nội dung được đơn vị quan tâm triển khai trong suốt thời gian qua. Hàng năm, Chi cục phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện các chuyên mục về công tác PCCCR, cảnh báo nguy cơ cháy rừng khi dự báo cháy ở cấp IV, cấp V. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm các địa phương cũng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng thực hiện các biện pháp như: Dọn dẹp vệ sinh thực bì, làm đường băng cản lửa… để hạn chế cháy lan.
Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCCR cho học viên là kiểm lâm địa bàn, phó ban lâm nghiệp các xã, thị trấn và tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng ở thôn, xóm. Qua đó, học viên được trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng vận hành, sử dụng thành thạo một số loại phương tiện, thiết bị, máy phòng cháy chữa cháy rừng để có thể áp dụng thực tiễn tại địa phương.
P.V: Còn các giải pháp trọng tâm để hạn chế thấp nhất việc xảy ra cháy rừng trong mùa khô năm nay là gì, thưa ông?
Ông Lê Cẩm Long: Chi cục đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư để ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.
Cụ thể, đơn vị hiện có 97 máy cắt thực bì, 15 máy thổi gió, 70 máy cưa xăng, 10 xe ô tô bán tải tại Hạt Kiểm lâm các huyện để sẵn sàng phục vụ công tác PCCCR. Ngoài ra, đơn vị cũng chỉ đạo các Hạt kiểm lâm có kế hoạch thực hiện công tác PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong những ngày nắng nóng, khô hanh kéo dài, cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên.
Chúng tôi thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại trang tin điện tử kiemlam.org.vn; phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đăng tải kịp thời bản tin cảnh báo cháy rừng để nhân dân biết và chủ động ứng phó.
Cùng với đó, Chi cục bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ người ra, vào ở những vùng có nguy cơ cháy cao; cấm các hoạt động sử dụng lửa trong rừng; kịp thời phát hiện điểm cháy để huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!