Đến Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ, tìm hiểu về công tác TGSX, bảo đảm đời sống bộ đội, chúng tôi thực sự ấn tượng với cách làm của đơn vị. Tại khu tăng gia tập trung của tiểu đoàn, chỉ với diện tích hơn 300m2 nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn tổ chức gieo trồng được nhiều loại rau, quả.
Theo chỉ huy tiểu đoàn, dù diện tích đất canh tác ít, khí hậu trên đảo rất khắc nghiệt, song đơn vị vẫn bảo đảm mùa nào rau ấy, không phải đi mua ngoài thị trường.
Có được kết quả đó là do đơn vị đã thiết kế cho khu tăng gia tập trung hệ thống tường rào nhiều lớp, vừa có tác dụng phân khu hợp lý từng loại rau, quả, vừa che chắn gió mặn, sương muối thổi trực tiếp. Nhờ đó đã hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thời tiết, khí hậu khiến rau chết hoặc sinh trưởng, phát triển chậm.
Trước đây, khó khăn lớn nhất trong tưới tiêu, chăm sóc rau hay vệ sinh chuồng trại ở khu tăng gia tập trung của tiểu đoàn vẫn là nguồn nước ngọt. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, huyện Bạch Long Vĩ đã xây dựng và đưa vào vận hành hồ chứa nước ngọt phục vụ quân và dân toàn huyện đảo.
Tận dụng lợi thế ở gần hồ chứa, đơn vị đã lắp máy bơm dẫn nước ngọt từ hồ vào bể chứa của đơn vị để phục vụ tưới tiêu. Tuy nhiên, ở các vườn tăng gia nhỏ lẻ, việc chăm sóc rau vẫn khó khăn gấp bội. Như vườn rau của Trung đội Pháo phòng không 37mm nằm ở trên sườn đồi cao, hằng ngày cán bộ, chiến sĩ vẫn phải gánh từng can nước dưới chân đồi, vượt lên hàng trăm bậc mới có được nước ngọt để tưới cho rau.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, Trung sĩ Phạm Văn Vũ, Khẩu đội trưởng thuộc Trung đội Pháo phòng không 37mm, bộc bạch: “Lúc mới ra đảo công tác, ai cũng nghĩ TGSX là nhiệm vụ vất vả nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã trở thành công việc quen thuộc. Tôi nghĩ, tăng gia không chỉ giúp đơn vị tự bảo đảm được rau sạch mà còn giúp cán bộ, chiến sĩ rèn luyện nâng cao sức khỏe, tính kiên trì, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ”.
Ngoài trồng trọt, đơn vị còn tận dụng lợi thế quỹ đất và thảm thực vật phong phú trên đảo để chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao, như: Lợn, gà, dê, bò... mỗi đàn khoảng 30-50 con. Sản phẩm từ chăn nuôi chính là nguồn cung thực phẩm tươi sống tại chỗ rất dồi dào và ổn định.
Thiếu tá Vũ Phúc Thể, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ, cho biết: “Do đặc thù đóng quân và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ đảo nên cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn coi công tác TGSX là một nhiệm vụ quan trọng. Bởi, nếu không tổ chức TGSX tốt, phải vận chuyển rau xanh và thực phẩm từ đất liền ra sẽ vừa tốn kém chi phí, vừa không chủ động trong công tác bảo đảm hậu cần”.
Có thể khẳng định, với sự chủ động, sáng tạo và tinh thần quyết tâm vượt khó, công tác TGSX ở Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhờ tổ chức TGSX khoa học, hiệu quả, bộ đội vừa được ăn no, ăn ngon, đủ định lượng. Theo lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, không chỉ bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm, rau xanh phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội, đơn vị còn thường xuyên duy trì lượng lương thực, thực phẩm dự trữ cho yêu cầu nhiệm vụ SSCĐ và tình huống thời tiết biển diễn biến xấu kéo dài.