Cập nhật: Thứ ba 30/11/2021 - 06:36
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ khảo sát thực tế, đánh giá hiệu quả của mô hình trồng rừng lim xanh 30 năm tuổi tại xã Hóa Thượng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ khảo sát thực tế, đánh giá hiệu quả của mô hình trồng rừng lim xanh 30 năm tuổi tại xã Hóa Thượng.

Xác định lâm nghiệp là tiềm năng, lợi thế lớn của địa phương, những năm gần đây, huyện Đồng Hỷ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế từ rừng, trong đó có rừng gỗ lớn. Việc tập trung đầu tư trồng và chuyển hóa thành rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng rừng mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng xói mòn, rửa trôi đất, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trước đây, toàn bộ 15ha rừng của gia đình anh Triệu Phúc Phượng, xóm Khe Cạn, xã Cây Thị đều trồng keo, khai thác gỗ nhỏ nên tuy mang lại hiệu quả nhưng giá trị kinh tế lại không quá lớn. Từ năm 2019, được cán bộ Kiểm lâm địa phương tuyên truyền, gia đình anh đã chuyển 10ha sang trồng rừng gỗ lớn với 2 loại cây là dổi xanh và chò chỉ.

“Ban đầu, tôi còn khá mơ hồ về hiệu quả kinh tế của rừng gỗ lớn, nhưng sau khi được cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình đã mạnh dạn làm theo. Đến nay, nhìn rừng dổi xanh và chò chỉ hơn 3 năm tuổi vươn cao, tôi nhận thấy hướng đi của mình là đúng. Theo tính toán, chỉ cần vài năm nữa thôi, khi cây dổi được 6 năm tuổi sẽ cho thu quả, mỗi cây cho thu từ 4-5kg quả, giá bán 2 triệu đồng/kg (giá thị trường hiện nay), có thể thu 10 triệu đồng/cây. Với mỗi ha trồng được 1.000 cây sẽ mang lại khoản thu nhập không nhỏ” - anh Phượng chia sẻ.

Còn tại xã Văn Hán, ông Nguyễn Thanh Soạn, xóm La Đùm cho biết: Gia đình có 10ha keo hiện được 6 năm tuổi, thương lái đã đến đặt hàng, song chúng tôi quyết định giữ lại thêm 4-5 năm nữa mới bán, khi đó thu nhập có thể đạt trên 300 triệu đồng/ha, giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần so với rừng gỗ nhỏ hiện nay. Bên cạnh đó, gia đình vẫn bảo đảm thu nhập từ chính diện tích rừng bằng việc tận thu sản phẩm từ chặt tỉa thưa và kết hợp chăn nuôi dê dưới tán rừng.

Theo tính toán của ông Soạn, trồng rừng gỗ nhỏ 6 năm, sau khi khai thác phải tái đầu tư trồng lại, trong khi rừng gỗ lớn 10 năm trở lên mới khai thác và trồng lại nên tiết kiệm thêm 1 lần đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc.

Trong 3 năm (2019-2021), huyện Đồng Hỷ trồng được trên 210ha rừng gỗ lớn. Trong ảnh: Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện hướng dẫn người dân xã Cây Thị chăm sóc diện tích rừng trồng. Ảnh: T.L

 

Huyện Đồng Hỷ là địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh với trên 23.299ha, trong đó, 5.586ha là rừng phòng hộ và 17.713ha rừng sản xuất. Trước đây, người dân trên địa bàn thường trồng rừng với chu kỳ ngắn, chỉ khoảng 5-6 năm tuổi đã khai thác. Thu nhập từ rừng gỗ nhỏ đạt từ 80-100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí cho thu lãi khoảng 50-60 triệu đồng/ha. Tính ra, mỗi năm, người dân chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng tiền lãi/ha.

Từ năm 2019 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã tích cực vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Với chu kỳ phát triển của cây từ 10 năm trở lên, mỗi ha rừng gỗ lớn có thể thu 250-300 triệu đồng trở lên.

Trong 3 năm (2019-2021), toàn huyện đã trồng được trên 210ha rừng gỗ lớn với sự tham gia của trên 100 hộ dân ở các xã Khe Mo, Văn Hán, Hợp Tiến, Cây Thị, Văn Lăng. Các giống cây lâm nghiệp được sử dụng chủ yếu là keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai... hoặc các giống cây sinh trưởng chậm như trám trắng, trám đen, lát hoa, lim xanh, dổi xanh, sấu… Đến nay, số cây trồng 3 năm qua đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Phùng Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ khẳng định: Trồng, chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng gỗ lớn của Đồng Hỷ hiện nay vẫn thấp, nguyên nhân là do nhiều người cho rằng, trồng rừng gỗ lớn có nhiều rủi ro về vấn đề thiên tai, cây gẫy đổ, dịch bệnh. Để tuyên truyền người dân mở rộng diện tích rừng gỗ lớn, huyện đang khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nguyên liệu chất lượng phục vụ công nghiệp chế biến…

Trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, huyện Đồng Hỷ trồng mới và trồng lại trên 1.200ha rừng sản xuất, sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt trên 45.000m3, đem lại giá trị kinh tế khoảng 55 tỷ đồng/năm. Với nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, trên địa bàn huyện đã hình thành 79 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, chủ yếu là các cơ sở băm, bóc gỗ, chế biến đồ mộc gia dụng. Các cơ sở chế biến lâm sản này đã góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Với những lợi thế sẵn có như vậy, việc nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững nghề rừng trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm gỗ trên địa bàn huyện là hết sức cần thiết. Từ đó không chỉ nâng cao giá trị gia tăng của ngành Lâm nghiệp mà còn góp phần quan trọng cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng…

Theo Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 20/01/2021: Chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ lớn: Trồng cây mọc chậm (cây bản địa) 15 triệu đồng/ha, trồng cây mọc nhanh (keo, mỡ) 10 triệu đồng/ha; hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn là 2,8 triệu đồng/ha/7 năm, bình quân 400.000 đồng/ha. Đối tượng được hỗ trợ là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn đầu tư và hưởng lợi trực tiếp từ trồng rừng và khai thác rừng. Điều kiện hỗ trợ là chủ rừng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng phải có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao hoặc được thuê, được giao khoán sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp.

 

Minh Phương