Cập nhật: Thứ ba 30/11/2021 - 19:19
Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Yên Đổ I xếp hàng đón con để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Yên Đổ I xếp hàng đón con để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Mỗi khi tan học ra về/ Đi lề bên phải chớ dàn hàng ngang... chỉ là vài câu do các cô giáo sáng tác để học sinh Trường Tiểu học Yên Đổ I đọc hàng ngày trước khi tan học nhưng đã góp phần tạo nề nếp cho các em. Con trẻ xếp hàng trật tự cũng tạo hiệu ứng lan tỏa đến phụ huynh, tạo thành nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông ở một số trường ở huyện Phú Lương.

Trường Tiểu học Yên Đổ I bám ngay bên trục Quốc lộ 3, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe ô tô và nhiều phương tiện tham gia giao thông, nhất là thời điểm đầu giờ đến trường và khi tan học, nên nguy cơ mất an toàn rất cao.

Trước khi được thụ hưởng Dự án An toàn giao thông học đường do Ban An toàn giao thông tỉnh triển khai, năm 2000, theo khảo sát độc lập của Dự án, Trường Tiểu học Yên Đổ I có đến hơn 70% học sinh chưa chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông, trên 60% phụ huynh cũng thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông khi đưa, đón con tại cổng trường.

Cô giáo Ma Thị Yêu, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Khi Dự án chưa triển khai, Nhà trường chư có nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả. Đa số chỉ phổ biến hàng ngày trên lớp, giờ sinh hoạt cho học sinh. Phía ngoài cổng trường lại không thuộc phạm vi quản lý của Nhà trường nên rất khó tuyên truyền dẫn đến khó kiểm soát việc chấp hành quy định về an toàn giao thông.

Chính quyền địa phương cũng vào cuộc, thậm chí huy động cả lực lượng công an hỗ trợ, nhưng không thể thường xuyên. Khi tiếp cận Dự án, Nhà trường, địa phương, phụ huynh và cả dân cư khu vực liền kề với Trường đều được phổ biến những kỹ năng, kiến thức phòng trách tai nạn giao thông bằng nhiều hình thức phong phú, nên đã có thay đổi nhận thức.

Ban đầu, mỗi ngày phía Dự án An toàn giao thông cấp cho những hình ảnh, video ghi lại ngẫu nhiên thời điểm học sinh đến trường và tan học rồi hàng tuần trình chiếu để lãnh đạo địa phương, nhà trường, phụ huynh và học sinh trực tiếp xem lại, từ đó đưa ra những phân tích và có giải pháp cụ thể.

Người tham gia giao thông thấy bản thân vi phạm tự điều chỉnh mình, học sinh tự thấy những nguy cơ mất an toàn và hành vi chưa đúng, tự chấn chỉnh bản thân... Cơ quan chuyên môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trực tiếp phát mũ bảo hiểm đến 100% học sinh và hướng dẫn các thao tác đội mũ đúng cách, vận hành xe đạp, phương tiện cá nhân đúng quy trình và dành thứ tự ưu tiên cho người yếu thế, người già, người đi bộ... khi ra cổng trường; hướng dẫn xếp hàng phương tiện đưa đón học sinh theo quy tắc một chiều tránh xung đột, đi ngược... Đặc biệt, mỗi khối lớp khi tan học lần lượt được xếp hàng ra cách nhau 10-15 phút.

Sau hơn 1 năm triển khai, thông tin kỹ thuật từ camera giám sát đã cho kết quả 94% học sinh, 98% phụ huynh chấp hành đúng quy định trật tự an toàn giao thông.

Trường Tiểu học Yên Ninh thường xuyên giám sát và hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn.  

Trường Tiểu học Yên Ninh có đặc thù chủ yếu là học sinh nông thôn và gần 90% là người dân tộc thiểu số, nên việc chấp hành quy định an toàn giao thông cần có sự hợp tác chặt chẽ từ phụ huynh.

Thầy giáo Lý Văn Điền, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trường bám ngay bên Quốc lộ 3, học sinh tham gia giao thông dọc tuyến từ 8-10km, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Trong số 660 học sinh thì có hơn 500 em thường tham gia giao thông trên Quốc lộ. Việc hướng dẫn học sinh chấp hành giao thông dọc tuyến đã khó, hướng dẫn các em kỹ năng tham gia giao thông, điều khiển xe đạp an toàn còn khó hơn. Chính vì vậy, Trường luôn tổ chức huấn luyện cho học sinh kỹ năng tham gia giao thông, kỹ năng vận hành xe đạp và kiểm tra an toàn phương tiện của các em hàng tuần.

Trước năm 2000, khi chưa có Dự án An toàn giao thông học đường, Trường chỉ có 14% học sinh và 10% phụ huynh chấp hành đúng quy định về trật tự an toàn giao thông. Sau khi được hưởng thụ các chương trình truyền thông của Dự án, đến nay đã có trên 90% chấp hành tốt các quy định về giao thông.

Hàng ngày, Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với Nhà trường và địa phương cắt cử người đến sớm để phân luồng, phân làn, giám sát việc đội mũ bảo hiểm đúng cách và xếp thứ tự theo từng lớp ra trước khi phương tiện và học sinh ra quốc lộ. Học sinh tự giám sát học sinh, phụ huynh tự giác chấp hành như một nét văn hóa khi tham gia giao thông…

Trên đây là hai trường tiểu học của huyện Phú Lương được Ban An toàn giao thông tỉnh đánh giá thực hiện hiệu quả Dự án. Với cách làm sáng tạo, thường xuyên của các nhà trường, việc chấp hành quy định về an toàn giao thông đã được mọi người tự giác, hình thành nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông từ nhà trường đến gia đình và xã hội.

Trinh An