P.V: Xin ông cho biết, những năm qua Thái Nguyên có những hoạt động gì hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống HIV/AIDS?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Ngày Thế giới Phòng, chống HIV/AIDS (1-12) được Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố lần đầu tiên vào năm 1988 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đại dịch AIDS do việc phát triển và lây lan, lây nhiễm HIV. Đây cũng là ngày tưởng nhớ đến những nạn nhân đã chết vì căn bệnh HIV/AIDS.
Tại Thái Nguyên, đến nay đã có trên 9.100 người có HIV, trong đó có 4.689 người còn sống; có 4.069 người đang được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút HIV (ARV).
Hàng năm, hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh đã và đang tiếp tục tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người có HIV, cho những người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống vùng sâu, vùng xa; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người có HIV và trách nhiệm của người có HIV với gia đình, xã hội.
Trong dự phòng lây nhiễm HIV, Thái Nguyên đã nỗ lực mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân. Đồng thời tổ chức hội thảo chủ đề xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đánh giá việc điều trị nghiện bằng chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế...; tổ chức gặp mặt, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, hội thảo với những người có HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, lợi ích của xét nghiệm, điều trị sớm; vận động người nhiễm chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh...; biểu dương gương điển hình người có HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao chủ động tham gia phòng, chống HIV/AIDS, vươn lên phát triển kinh tế và giúp nhau trong cuộc sống.
Đặc biệt, Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động như thăm hỏi, phát quà cho cá nhân, gia đình bệnh nhân AIDS, giúp đỡ người có HIV hòa nhập cộng đồng...
Điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone tại Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên.
P.V: Đến nay, Thái Nguyên đã thực hiện tốt các mục tiêu toàn cầu 90-90-95 trong công tác phòng, chống HIV (90% số người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% số người có HIV được điều trị ARV; 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp nhất). Tuy nhiên, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, chúng ta đang gặp những khó khăn như thế nào trong công tác này, thưa ông?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Chúng ta đang thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS trước năm 2030. Tuy vậy, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể như đối với việc chăm sóc, điều trị HIV, khi cung cấp dịch vụ qua bảo hiểm y tế (BHYT), bệnh nhân bỏ điều trị do đi làm xa, cách ly, phong toả; thiếu thuốc ARV theo nguồn BHYT, thuốc về chậm so với kế hoạch (tháng 3-2021)…
Trong hoạt động can thiệp, giảm tác hại của HIV/AIDS, do diễn biến dịch bệnh khó lường nên các CBO vẫn phải hạn chế tổ chức các cuộc truyền thông đông người hoặc chia nhỏ truyền thông.
Đối với hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV, lượng khách hàng tới các cơ sở cố định thấp do ảnh hưởng của dịch. Nhân sự thay đổi do cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ đi chi viện chống dịch, phục vụ công tác chống dịch tại tỉnh. Các hoạt động tập huấn chưa thực hiện được theo kế hoạch do tình hình dịch diễn biến phức tạp…
P.V: Thưa ông, Thái Nguyên sẽ có những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, Thái Nguyên tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động can thiệp giảm tác hại và giám sát tại các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng (CBO); duy trì các hoạt động tư vấn, xét nghiệm tại các cơ sở y tế phù hợp với tình hình dịch hiện tại của tỉnh; phối hợp với các cơ sở đảm bảo tốt công tác điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS và điều trị đồng nhiễm viêm gan C…
Đặc biệt, chúng tôi luôn xác định mục tiêu không được để người bệnh bị gián đoạn điều trị, tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị cung cấp đầy đủ thuốc cho người bệnh từ tỉnh ngoài đến sinh sống tạm thời tại Thái Nguyên để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Với những người bệnh do Thái Nguyên quản lý hiện đang sinh sống ở các địa phương khác, tỉnh cũng đã hướng dẫn để những trường hợp này được nhận thuốc điều trị tại cơ sở điều trị gần nhất. Khi đi nhận thuốc, bệnh nhân chỉ cần mang theo sổ y bạ và chứng minh thư hoặc thẻ căn cước công dân để lĩnh thuốc, không cần có giấy chuyển tuyến. Người bệnh cũng được cấp phát thuốc từ 2-3 tháng. Nếu chưa đến lịch hẹn lĩnh thuốc nhưng do điều kiện khách quan, người bệnh có thể lĩnh thuốc sớm trước thời điểm hết thuốc.
Nếu không may, người bệnh bị cách ly tập trung do liên quan đến dịch COVID-19, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh sẽ hỗ trợ chuyển thuốc vào cơ sở cách ly…
P.V: Xin cảm ơn ông!