Những ngày qua, khu vực miền Trung-Tây Nguyên có mưa to, kết hợp với việc xả lũ ở các nhà máy thủy điện khiến huyện Ia Pa (Gia Lai) và TP Nha Trang (Khánh Hòa) ngập lụt nặng. Nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước; nhiều người dân mắc kẹt trên nương rẫy. Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang các địa phương đã điều động nhân lực, phương tiện khẩn cấp di dời các hộ dân đến nơi an toàn...
Sáng 2-12, ông Vũ Xuân Quang (59 tuổi, quê ở Bình Nghi, Tây Sơn, Bình Định), một trong 29 người dân thuê đất trồng dưa ở xã Ia Trok, huyện Ia Pa, được bộ đội di chuyển ra khỏi vùng ngập lụt.
Tâm sự với chúng tôi, giọng ông vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tôi lên đây thuê đất trồng dưa đã 5 năm nhưng chưa bao giờ thấy nước lên nhanh, ngập sâu đến thế. Phân bón, cây giống mới vào của 5ha dưa nay đã trôi theo dòng nước lũ rồi. May mà tôi và 2 công nhân được bộ đội kịp đến giúp đỡ, nếu không thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng".
Không chỉ hàng trăm héc-ta hoa màu ở bãi bồi giữa sông Ba thuộc thôn Tong Sê và Bôn Tham (xã Ia Trok) bị ngập mà nhiều khu dân cư cũng bị nước lũ gây ngập lụt. Anh Niê Thôn (buôn Jứ, xã Ia Broái) kể: "Khoảng 1 giờ ngày 30-11, nước lên nhanh ngập hết nhà, tài sản cũng bị trôi hết. Gia đình có 6 người cả già lẫn trẻ, may có bộ đội tới kịp, không thì chưa biết chuyện gì xảy ra với chúng tôi”.
Thượng tá Nguyễn Đình Hồng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Ia Pa (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai) cho biết: Ngay khi nhận được tin, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã lập tức huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu, giúp bà con thoát khỏi vùng ngập lụt an toàn.
Đơn vị đã huy động 5 ca nô, 20 cán bộ, nhân viên thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện và gần 60 chiến sĩ dân quân của các xã lân cận. Lực lượng chia làm hai hướng, một hướng giải cứu người dân mắc kẹt ngoài bãi bồi trồng dưa giữa sông Ba. Một hướng tập trung di chuyển các hộ dân bị ngập lụt ở buôn Jứ, xã Ia Broái.
Mặc dù nước lũ lên nhanh, chảy xiết song nhờ phát huy “4 tại chỗ” và phương châm cứu người trước, di dời tài sản, vật nuôi sau (ưu tiên vận chuyển người già, trẻ em và phụ nữ có thai trước) nên lũ đã không gây thiệt hại về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho đồng bào. Các lực lượng đã di chuyển 333 hộ/1.183 người dân vùng ngập lụt đến khu vực tránh trú an toàn.
Đến chiều 2-12, nước lũ rút dần, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Ia Pa và các lực lượng đang dốc sức giúp nhân dân vùng ngập lụt trên địa bàn các xã: Chư Mố, Ia Tul, Ia Broái, Ia Trok, Chư Răng khắc phục hậu quả.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, lực lượng vũ trang cũng tích cực giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Trung tá Nguyễn Tấn Dũng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự thành phố Nha Trang cho biết: "Trước diễn biến rất phức tạp của mưa lũ, uy hiếp đến tính mạng của người dân, đơn vị đã chỉ đạo ban Chỉ huy quân sự các xã, phường cùng dân quân thường trực tại các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp khẩn trương cứu dân”.
Ban Chỉ huy quân sự thành phố Nha Trang đã điều ca nô, phối hợp dùng xuồng máy của các lực lượng tiến hành sơ tán 38 hộ/132 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn. Tại xã Vĩnh Phương, Ban Chỉ huy quân sự xã đã cứu được một phụ nữ chuyển dạ bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ.
Tại thị xã Ninh Hòa, ông Châu Văn An (55 tuổi) đã bị nước lũ cuốn trôi. Ban Chỉ huy quân sự xã Ninh Hưng đã cơ động lực lượng xuống khu vực đập tràn tìm kiếm suốt trong đêm mới thấy nạn nhân. Ở hướng huyện miền núi Khánh Sơn, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã huy động cán bộ, nhân viên, dân quân tổ chức sơ tán 21 hộ với 88 nhân khẩu đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại các cầu tràn...
Trên tuyến Tỉnh lộ 9 và đường Tô Hạp-Sơn Bình có 12 vị trí bị sạt lở với khối lượng đất đá hàng trăm mét khối. Ngay sau khi sạt lở, Ban Chỉ huy quân sự huyện Khánh Sơn đã điều động cán bộ, nhân viên và dân quân các xã khẩn trương cơ động đến các vị trí sạt lở, kịp thời hỗ trợ lực lượng bảo trì đường bộ, bảo đảm giao thông thông suốt.
Cán bộ, chiến sĩ, dân quân các cơ quan, đơn vị đã không quản hiểm nguy, dầm mình trong mưa rét, băng qua dòng nước xiết đưa đồng bào đến nơi an toàn.