Dù vẫn là chip sử dụng nền tảng ARM thay vì x86 phổ biến trên máy tính cá nhân, động thái mới vẫn đồng nghĩa Qualcomm khiêu chiến hai đại gia bán dẫn hàng đầu hiện nay là Intel và AMD, trong bối cảnh máy tính chạy hệ điều hành Microsoft xưa nay luôn là “độc quyền” của các hãng này.
Theo Qualcomm, Snapdragon 8cx Gen 3 với quy trình sản xuất 5nm sẽ hướng tới các máy tính xách tay mỏng, không dùng quạt. So với thế hệ Gen 2 tiền nhiệm, bộ xử lý mới nhanh hơn 85%, trong khi sử dụng điện hiệu quả hơn các bộ xử lý Intel hay AMD tới 60% - cho phép thời lượng pin có thể kéo dài nhiều ngày.
Một số tính năng tích hợp sẽ bao gồm kết nối mạng 5G, kết nối Wifi 6/6E, khả năng điều khiển 4 máy quay 4K cùng lúc... Lõi đồ họa Adreno thế hệ mới cho phép các máy tính sử dụng nền tảng mới chơi được trò chơi ở độ phân giải Full HD với tốc độ dựng hình 120 khung hình/giây.
Trong khi đó, Snapdragon 7c+ Gen 3 sẽ hướng tới máy tính giá rẻ, dự kiến sẽ có mặt trên thị trường khoảng 6 tháng sau Snapdragon 8cx Gen 3. Bộ xử lý này cũng hỗ trợ đầy đủ kết nối 5G và Wifi 6/6E.
Dù hoan nghênh động thái mới của Qualcomm, giới phân tích vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của các bộ xử lý ARM dành cho Windows - nền tảng vốn đã có hơn một thập kỷ hiện diện trên thị trường tiêu dùng với không mấy thành tựu. Nguyên nhân chính được cho là nằm ở sự thiếu hụt nghiêm trọng hệ sinh thái phần mềm, trong khi tính tương thích còn kém xa các giải pháp x86 truyền thống.
Bộ xử lý mới tiếp tục thể hiện nỗ lực của Qualcomm trong việc đuổi kịp các đối thủ Intel và AMD ở lĩnh vực máy tính cá nhân.
Thực tế, Qualcomm đã từng thử lửa với Snapdragon 8cx thế hệ đầu tiên vào năm 2018. Tuy nhiên, bộ xử lý này gần như không có mặt trên thị trường, ngoại trừ một phiên bản được Microsoft trang bị cho chiếc máy tính Surface Pro X của mình.
Về phần mình, hãng phần mềm Mỹ cũng từng gây chú ý khi năm 2012 tung ra Windows RT, một biến thể của Windows 8 dành cho các bộ xử lý ARM, nhưng sản phẩm này cũng nhanh chóng... chìm nghỉm.