PV: Trước hết, xin đồng chí cho biết, công tác chuẩn bị cho Kỳ họp lần này có gì đáng chú ý?
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga: Năm 2021 là năm đầu triển khai NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và NQ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, do đó, các quyết sách của HĐND tỉnh có vai trò định hướng, tạo nền tảng và tạo đà cho tăng trưởng, phát triển của tỉnh trong cả nhiệm kỳ.
Do đó, để nâng cao chất lượng các nội dung trình tại Kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các ban của HĐND tỉnh chủ động tiếp cận tài liệu từ giai đoạn dự thảo, tiến hành khảo sát thực tế làm cơ sở vững chắc để tổ chức hội nghị thẩm tra. Công tác tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định, vừa đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, nhưng vẫn tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri. Cùng với đó, trong công tác điều hành Kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới theo hướng giảm thời gian nghe báo cáo, tăng thời gian đại biểu thảo luận, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn.
PV: Nhằm nâng cao chất lượng các NQ được thông qua tại Kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã và sẽ có những thay đổi như thế nào trong công tác thẩm tra, thưa đồng chí?
Đồng chí Mai Thị Thuý Nga: Xác định, chất lượng thẩm tra là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng nghị quyết nên tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thông qua Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành NQ và giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2026”.
Theo đó, nhiều giải pháp cụ thể được đưa ra nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thẩm tra của các ban HĐND tỉnh, như: Chủ động nắm bắt thông tin, tham góp ý kiến ngay từ khâu xây dựng dự thảo NQ; xây dựng kế hoạch thẩm tra và phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo từng nội dung cụ thể, phù hợp với năng lực, sở trường và vị trí công tác; nghiên cứu, lựa chọn nội dung có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động đến nhiều đối tượng để tổ chức khảo sát thực tế, nắm tình hình, thu thập thông tin phục vụ công tác thẩm tra.
Đồng thời, các ban HĐND tỉnh cũng tăng cường tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực cần thẩm tra, ý kiến phản biện của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên hoặc tham vấn ý kiến nhân dân nhằm đảm bảo tính khách quan, khoa học và khả thi của NQ… Nhiều nội dung trong dự thảo NQ cũng đã được Thường trực HĐND tỉnh áp dụng đối với các kỳ họp gần đây và cho thấy hiệu quả rất tích cực.
HĐND tỉnh tiến hành khảo sát tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi theo phản ánh của cử tri tại Nhà máy Cốc hóa (thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên).
PV: Tại Kỳ họp lần này, có nhiều NQ được ban hành liên quan đến cả giai đoạn 2021-2026, trong đó đáng chú ý là NQ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương và NQ thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đồng chí có thể thông tin thêm về 2 nội dung này?
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga: Có thể nói, đây là 2 trong số những NQ được nhiều đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm.
Đối với NQ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo sự chủ động cho chính quyền các cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công để phát triển nền kinh tế, phục vụ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Giai đoạn này, tỉnh Thái Nguyên sẽ bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng, có tính kết nối và lan tỏa cao, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM), mục tiêu đưa ra là “Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh; tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NMT theo hướng bền vững”.
Theo đó, tỉnh phấn đấu có 95% số xã đạt chuẩn NTM, 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 15% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong tổng số xã đã được công nhận. Đồng thời, tập trung phát triển tổ chức sản xuất theo các mô hình kinh tế tập thể, mô hình liên kết chuỗi giá trị, tạo động lực để đẩy mạnh cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số và kinh tế số.
PV: Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri luôn là vấn đề được đại biểu và nhân dân quan tâm tại mỗi kỳ họp. Vậy, HĐND tỉnh đã và sẽ có những biện pháp gì để việc giải quyết này ngày càng thực chất và hiệu quả, thưa đồng chí?
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga: Thời gian qua, HĐND tỉnh luôn quan tâm đến công tác tiếp thu, phân loại, đôn đốc và thường xuyên giám sát, ban hành NQ về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã tổ chức phiên giải trình về tiến độ giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri kéo dài qua nhiều kỳ họp. Qua đó, UBND tỉnh đã tăng cường hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và xác định rõ trách nhiệm, thời hạn giải quyết của của từng cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công chủ trì hoặc phối hợp giải quyết.
Sau gần 4 tháng kể từ kỳ họp thường lệ đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh đã giải quyết xong hoặc thực hiện giải trình thông tin đến cử tri đạt 59,6% tổng số ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền. Trong số này, có nhiều ý kiến, kiến nghị kéo dài qua nhiều kỳ họp.
Thời gian tới, HĐND sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, tổ chức khảo sát thực tế tại nơi phát sinh ý kiến, kiến nghị; kịp thời thông tin, tuyên truyền kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị để cử tri được biết, góp phần ổn định xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!