Câu chuyện của hai bạn cho thấy những khoảng trống đáng ngại trong kiến thức về sức khỏe và HIV trong thanh thiếu niên.
Trong khuôn khổ chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2021, Mạng lưới quần thể đích trẻ Việt Nam (VYKAP) đã tổ chức tiếp cận, cung cấp thông tin, tư vấn về HIV và an toàn tình dục cho các bạn trẻ vào ngày 06 tháng 11 năm 2021.
Hoạt động thông tin và tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện do cộng đồng làm chủ này mang đến cho các bạn trẻ có dịp đi qua một không gian tin cậy và thoải mái để tiếp nhận thông tin về HIV và an toàn tình dục, và làm xét nghiệm sàng lọc HIV, với mọi thông tin cá nhân được bảo mật.
Hai bạn sinh viên trong số các bạn trẻ tham gia xét nghiệm sàng lọc HIV tại quầy cho kết quả phản ứng với HIV, và sau đó được xét nghiệm khẳng định là có HIV dương tính.
Mai (không phải tên thật) là một phụ nữ chuyển giới. Mai sinh năm 2003 với giới tính sinh học là nam và được nuôi lớn như một cậu bé ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Mai bắt đầu quan hệ tình dục ở tuổi 15 với bạn tình là nam giới. Sau khi xa gia đình để học đại học ở trung tâm thành phố Hà Nội, Mai đã kết nối với nhiều bạn tình thông qua mạng xã hội.
Mai cân nhắc có quan hệ tình dục hay không đơn giản bằng cách quan sát xem tại nơi ở của bạn tình có thuốc kháng vi rút ARV hay không mà không cần kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng nhiễm HIV hoặc tải lượng vi rút của họ. Kết quả xét nghiệm sàng lọc âm tính với HIV trong lần tự xét nghiệm đầu tiên vào tháng 5 năm nay nên sau đó Mai đã không sử dụng bao cao su thường xuyên với bạn tình của mình cho tới tháng 10 -- khoảng thời gian xảy ra đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam.
“Có phải em bị nhiễm HIV từ những vết xước khi em ngã xuống gần bãi rác bên đường, hay do em bị va quệt vào đinh trên tường quán cà phê không ạ?” Không nghĩ đến lý do nhiễm HIV là từ hành vi tình dục không an toàn, Mai lại nhầm lẫn mà nghi ngờ rằng việc nhiễm HIV của mình là do những vết trầy xước rướm máu. Kiến thức không đồng bộ và những khoảng trống trong giáo dục giới tính và tình dục toàn diện đã cản trở thanh thiếu niên trong việc áp dụng hiệu quả các biện pháp chăm sóc sức khỏe và giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV.
Mặc dù đã tiếp xúc với các thông tin về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục thông qua các trang mạng xã hội của cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) từ khi còn rất nhỏ nhưng kiến thức về HIV của Mai vẫn còn thiếu và yếu. Ngoài ra, cũng còn những khoảng kênh giữa kiến thức HIV của Mai với kỹ năng và tâm lý để áp dụng các biện pháp an toàn tình dục một cách nhất quán.
Đức (không phải tên thật) là bạn sinh viên thứ hai xét nghiệm khẳng định dương tính với HIV. Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam, chàng trai 21 tuổi suýt bỏ chạy khỏi quầy xét nghiệm vì sốc khi nhận được kết quả xét nghiệm sàng lọc có phản ứng với HIV.
Đức nhận thấy mình bị hấp dẫn bởi nam giới vào năm 18 tuổi, và bắt đầu có quan hệ tình dục với người đồng giới ở tuổi đó. Do lầm tưởng rằng hành vi quan hệ tình dục đồng giới ít rủi ro hơn quan hệ tình dục khác giới nên Đức đã không sử dụng bao cao su thường xuyên.
Đây là lần đầu tiên Đức được cung cấp thông tin, tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV. “Em cứ nghĩ HIV là gắn liền với mại dâm và sử dụng ma túy. Để tránh bj bạn bè phân biệt đối xử, em đã giấu việc em đang uống thuốc ARV”. Đức chia sẻ “Em cảm thấy mình sẽ không bao giờ có thể yêu được nữa”.
Thanh niên trong nhóm MSM có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, hơn 79% tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2021 là lây truyền HIV qua quan hệ tình dục, còn số lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy chỉ chiếm 9,9%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã tăng từ 5,7% vào năm 2015 lên tới 13,3% vào năm 2020. Còn nhóm chuyển giới nữ, số liệu nghiên cứu trên qui mô hạn chế tại tp. HCM cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này có thể cao tới 16% - 18%.
“Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng thực hành tình dục an toàn, là vô cùng cần thiết để đảm bảo những người trẻ có hành vi quan hệ tình dục an toàn hơn và dự phòng được lây nhiễm HIV”, anh Vũ Trần Dũng, Mạng lưới quần thể đích trẻ Việt Nam (VYKAP) chia sẻ.
Liên Hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi các nỗ lực hơn nữa trong việc lấp đầy khoảng trống trong kiến thức về tính dục, sức khỏe tình dục và sinh sản, ở cả trong và ngoài trường học. Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện là một can thiệp thiết yếu để giúp dự phòng lây nhiễm HIV trong giới trẻ và cũng để nâng cao năng lực cho những người trẻ tuổi nhận thức và bảo vệ sức khỏe toàn diện. Với kiến thức đúng và toàn diện, những người trẻ tuổi có thể ra quyết định một cách có trách nhiệm và an toàn hơn về giới và tính dục.