Cập nhật: Thứ năm 09/12/2021 - 09:44
ATK homestay, xã Phú Đình (Định Hóa), đi vào hoạt động từ năm 2019 nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng về thu hút du khách của chủ đầu tư.
ATK homestay, xã Phú Đình (Định Hóa), đi vào hoạt động từ năm 2019 nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng về thu hút du khách của chủ đầu tư.

Du lịch cộng đồng được đánh giá là mô hình mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách, đã có đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, đa phần các điểm du lịch cộng đồng của tỉnh vẫn còn mang tính tự phát, thiếu sự đầu tư, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ và nhận thức của người dân còn hạn chế nên chưa phát huy được thế mạnh trong lĩnh vực này…

Trên địa bàn tỉnh, hoạt động du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà và văn hóa các dân tộc đã từng bước được đầu tư, khai thác và hình thành một số sản phẩm du lịch. Một số sản phẩm du lịch đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh như: Du lịch cộng đồng ở các vùng chè Tân Cương, La Bằng, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Làng văn hóa dân tộc bản Quyên...

Ngoài ra còn một số địa điểm khác có tài nguyên du lịch sinh thái, trải nghiệm thu hút du khách cũng đã có nhiều hộ gia đình bước đầu đầu tư phát triển dịch vụ homestay như: La Bằng homestay, Cửa Tử homestay (Đại Từ), du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè (T.P Sông Công), homestay xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên)...

Được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2019, ATK homestay (xã Phú Đình, Định Hóa) nằm sát với Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khuôn Tát, trong không gian xanh được bao bọc bởi rừng vầu, ruộng bậc thang và nhiều cây cổ thụ. Dựa vào lợi thế sẵn có, chủ đầu tư phát triển toàn bộ diện tích gần 3ha làm homestay và các khu trải nghiệm như vườn hoa, vườn cây ăn quả, đồi vọng cảnh… Do đó, cơ sở lưu trú này đã thu hút khá đông du khách tham quan khi đến với ATK Định Hóa. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt được kỳ vọng của chủ đầu tư.

Ông Hà Tiến Khải, chủ cơ sở lưu trú ATK homestay chia sẻ: Khu vực này chỉ có riêng gia đình tôi phát triển du lịch cộng đồng nên homestay khá đơn độc, sức hút với du khách còn thấp. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ, khích lệ bà con trong xóm, xã cùng quan tâm phát triển du lịch. Như vậy mới có thể phát triển và hấp dẫn du khách nhiều hơn.

Theo nhận định của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trừ Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách, đa phần các cơ sở du lịch cộng đồng còn lại mới chỉ có dịch vụ ăn uống và vui chơi cơ bản mà chưa có dịch vụ lưu trú chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng và trải nghiệm của du khách.

Bên cạnh đó, các điểm du lịch cộng đồng cơ bản vẫn mang tính tự phát, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu sự đầu tư để phát triển thành một cộng đồng du lịch.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để đáp ứng được sự phát triển du lịch của tỉnh và nguyện vọng của nhân dân cũng như góp phần kéo dài thời gian lưu trú, trải nghiệm của du khách tại mảnh đất xứ trà, tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Nội dung này được thể hiện trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh thông qua ngày 23-3-2021.

Cùng với đó, trong Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu sẽ xem xét thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo dự thảo Nghị quyết, tỉnh sẽ dành trên 25 tỷ đồng tập trung hỗ trợ để xây dựng 5 mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng.

Cụ thể: Năm 2022, xây dựng 1 điểm ở xã La Bằng, huyện Đại Từ và 1 điểm ở T.P Thái Nguyên; năm 2023 xây dựng 1 điểm ở huyện Phú Lương; năm 2024 xây dựng 1 điểm xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai; năm 2025 xây dựng 1 điểm ở huyện Định Hóa hoặc 1 điểm ở hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, T.P Sông Công.

Nguồn ngân sách được hỗ trợ sẽ tập trung vào việc lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch...

Với nguồn lực đầu tư xứng đáng, đây được kỳ vọng là cú hích mạnh mẽ cho du lịch Thái Nguyên hướng tới phát triển bền vững thông qua việc gắn phát triển du lịch với trải nghiệm đời sống cộng đồng. Qua đó góp phần tạo thêm việc làm, hình thành các điểm du lịch mới, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho người dân.

Thu Hà