Giới chức Ấn Độ và Nga đã bác bỏ sức ép của Mỹ đòi hạ cấp quan hệ quốc phòng giữa New Delhi và Moskva. Tại cuộc hội đàm trong ngày 6-12 ở New Delhi, Thủ tướng Narenda Modi và Tổng thống Vladimir Putin đã đồng thuận mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự giai đoạn mười năm tới.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này, lãnh đạo hai nước khẳng định sẽ tiếp tục hoàn tất hợp đồng chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 bất chấp việc Washington đe dọa trừng phạt Ấn Độ dựa trên Đạo luật chống kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ lần này của Tổng thống Putin cũng bao gồm một hợp đồng thiết lập liên doanh tại Uttar Pradesh, Ấn Độ để sản xuất khoảng 600.000 súng trường tấn công AK-203 theo thiết kế của Nga trong 10 năm tới. Súng này sẽ thay thế mẫu INSAS đã được sử dụng trong quân đội Ấn Độ hơn 3 thập kỉ qua.
Nhà máy này dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong một vài tháng tới, với tiền trình nội địa hóa đạt 100% trong tương lai. “Các chuyên gia của Nga và Ấn Độ đã hoàn tất nhiều công việc chuẩn bị trong suốt ba năm qua để tối ưu hóa mức giá và các thông số kĩ thuật tại dự án này. Liên doanh chắc chắn sẽ mở ra một trang mới trong hợp tác kĩ thuật quân sự Nga-Ấn”, ông Vladimir Lepin, Giám đốc điều hành hãng Kalashnikov chia sẻ.
Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla mô tả thỏa thuận chuyển giao S-400 là hợp đồng đã được ký kết từ lâu, đồng thời coi hợp tác với Nga là cách để Ấn Độ chứng tỏ chính sách ngoại giao độc lập. Nhưng ông Shringla cũng thừa nhận Nga, Ấn Độ đã không hoàn tất thỏa thuận về cho phép quân đội hai bên sử dụng dịch vụ hậu cần tại các cảng, căn cứ quân sự của nhau - như cách Ấn Độ đã làm với Mỹ và một số đồng minh của Mỹ. Kế hoạch này được gác lại, chờ thảo luận tiếp.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ấn lần này đã giúp giải tỏa sức ép từ Mỹ trong bối cảnh Washington thuyết phúc New Delhi giữ khoảng cách với Nga – đối tác cung cấp vũ khí, trang bị truyền thống của Ấn Độ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn Ấn Độ chuyển sang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc.
Mỹ nhiều khả năng cuối cùng cũng sẽ miễn trừ trừng phạt thương vụ Ấn Độ mua S-400 của Nga, nhưng Washington trước đó luôn hối thúc New Delhi từ bỏ hợp đồng này, cảnh báo việc theo đuổi thỏa thuận sẽ làm nguy hại đến hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn. Về phần mình, Ấn Độ bảo lưu quan điểm có quyền lựa chọn nhà cung cấp vũ khí, khẳng định cần mua sắm các tổ hợp S-400 để đối phó với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi tăng cường hợp tác kĩ thuật quân sự với Nga, trong đó có lĩnh vực nghiên cứu cấp cao, cùng sản xuất trang thiệt bị quốc phòng, nhằm đáp ứng nhu cầu “hợp pháp, thực chất và cấp thiết”. Theo ông, đại dịch COVID-19 cùng với tình trạng quân sự hóa, tăng cường vũ trang ở các nước láng giềng cùng với đụng độ hồi mùa hè năm 2020 ở biên giới phía Bắc đã đặt ra nhiều thách thức cho Ấn Độ.
Về phần mình, Nga khẳng định quan hệ kĩ thuật quân sự với Ấn Độ trong 10 năm tới sẽ đi sâu vào hợp tác giữa các nhánh trong lực lượng vũ trang hai nước, cũng như cung ứng, phát triển vũ khí, trang bị quân sự. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hợp đồng chuyển giao S-400 vẫn đang được triển khai theo kế hoạch, bất chấp sức ép của Mỹ đối với Ấn Độ.
Trên thực tế, Ấn Độ có thể phải đối diện với cấm vận tài chính khi theo đuổi thương vụ đặt mua S-400 của Nga theo Đạo luật CAATSA được Mỹ thông qua năm 2017, trong đó liệt kê Nga, Triều Tiên, Iran là kẻ thù của Mỹ. Năm ngoái, Mỹ đã vận dụng CAATSA để áp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng với lý do Ankara mua S-400 của Nga. Tuy nhiên, nhiều thượng nghị sĩ tên tuổi tại Mỹ đã hối thúc Tổng thống Biden miễn trừ cấm vận chống Ấn Độ.