Cập nhật: Thứ năm 16/12/2021 - 11:28
Chị Phạm Thị Luyến luôn tận tình chăm sóc, động viên bệnh nhân yên tâm điều trị.
Chị Phạm Thị Luyến luôn tận tình chăm sóc, động viên bệnh nhân yên tâm điều trị.

Thể xác lành lặn nhưng tâm thần vô thức. Căn bệnh của họ không chỉ chữa bằng thuốc mà còn cần liệu pháp tâm lý. Xuất phát từ đáy lòng, chị Phạm Thị Luyến, điều dưỡng viên Khoa Điều trị bệnh nhân nặng (Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng Tâm thần kinh Thái Nguyên) đã gắn bó, san sẻ niềm thương để người bệnh vơi dịu nỗi đau đời. Năm 2020, chị được Bộ Lao động - TB&XH biểu dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”.

Chị đến với nghề như số phận sắp đặt - nghề chăm dưỡng những phận người mang bệnh tâm thần. Họ sống trong vô thức. Còn chị và các đồng nghiệp đang từng ngày, từng giờ níu kéo họ trở về trạng thái tâm lý bình thường, giúp họ có được khoảnh khắc sống như một con người. 

Với bệnh nhân ở Trung tâm, cái khắc giây được làm người bình thường ấy rất quý giá. Chị Luyến còn nhớ như in ngày mới nhận công tác, tận mắt chứng kiến những con người thường trực hành động không bình thường. Một chút ái ngại, tủi thân ập về, chị mắm môi, nén giấu cảm xúc và xác định rõ trách nhiệm của mình trước một công việc có ít người lựa chọn.

Chị tâm sự: Năm 2005, ngay sau tốt nghiệp Điều dưỡng trung cấp (Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên), tôi quyết định vào Trung tâm làm việc. Dẫu biết làm việc ở Trung tâm này sẽ chịu nhiều áp lực nhưng tôi nghĩ những con người yếu thế này đang cần có điểm tựa tinh thần.

Và chị đã cùng các đồng nghiệp của mình căng sức như sợi dây níu lại những cuộc đời buồn nhiều hơn vui. Giản đơn là hướng cho bệnh nhân tham gia các hoạt động lao động trị liệu, thể thao và biết lắng nghe thầy thuốc khuyên bảo. Bản thân chị cũng luôn tự răn mình là phải biết chia sẻ, lắng nghe bệnh nhân nói, đồng thời nhẫn nại, kiên trì, không cho phép mình có thái độ nóng nảy khi bị bệnh nhân… gây sự.

Chị đã gắn bó với công việc tưởng chừng nhàm chán này 16 năm nay. Chị tâm huyết với công việc chuyên môn, gắn bó với bệnh nhân. Tôi nhận ra cử chỉ thân thiện, lời động viên thân tình của chị đã làm vợi dịu tâm bệnh trong bao con người.

Chị rủ rỉ: Ở Trung tâm có hơn 200 bệnh nhân. Mỗi người một tính cách, nhưng họ giống nhau là đã từng chạy chữa bệnh ở nhiều nơi, thậm chí gia đình mời thầy “phủ thủy” về yểm bùa, trừ tà song không khỏi. Tôi thuộc tính, biết bệnh của từng người, coi họ như người thân của mình để an ủi. Đây cũng là “một phác đồ điều trị” nhằm tạo cho bệnh nhân hưng phấn, chấp hành nghiêm y lệnh.

Phải nặng lòng, trách nhiệm với công việc mới chịu đựng được áp lực khi gần gũi những người bệnh có lúc như ác thú. Tôi nghĩ như thế về chị Luyến và đội ngũ những người lao động ở Trung tâm. Bệnh nhân Nguyễn Văn Cường là một minh chứng. Ông hồn nhiên thổ lộ: “Tôi cũng có người thân, nhưng họ không chấp nhận tôi, vì tôi đã chém anh chị em ruột bể đầu.”

Còn bệnh nhân Trần Văn Hiền kể: “Tôi đã chém chết chính mẹ của mình. Do lúc đó tôi tưởng bà là phù thủy.” Từ góc trong của phòng ở, bệnh nhân Ma Văn Cười nói vọng ra: “Tôi đập chết mẹ mình bằng một cái vồ gỗ, vì tưởng bà có âm mưu giết người. Khi đó, tôi đang là sinh viên năm hai Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.”

Mỗi bệnh nhân một kỳ án, nhưng pháp luật bao dung bởi họ là bệnh nhân tâm thần. Chị Luyến nói suy tư: Các cụ dạy “không ai nắm tay tối ngày”. Nhiều trường hợp do thất bại trong công việc, vì kinh doanh thua lỗ hoặc vì thất tình… họ phải trải qua một giai đoạn sống cực kỳ căng thẳng, nhất là lúc khó khăn thì người thân lại xa lánh, sợ liên đới trách nhiệm. Áp lực tâm lý quá lớn, chán nản dồn nén khiến nhiều trường hợp nghĩ đến tự tử, hoặc trả thù những người xung quanh. Không ít trường hợp hung hãn như con thú hoang bị dồn vào chân tường, nhưng khi vào Trung tâm lại trở nên hiền lành, ngơ ngác nhận ra mình đã có hành động cực kỳ tàn nhẫn.

Trong thời gian thực tế ở Trung tâm, tôi cảm nhận ở đây giống viện điều dưỡng hơn là một cơ sở dành cho người mắc bệnh tâm thần nặng, thay vì cảnh tượng la hét, đập phá (như tôi tưởng) là một không khí ôn hòa. Các bệnh nhân được phân thành từng nhóm: Trồng rau xanh, làm hàng gia công, vệ sinh khuôn viên, tán ngẫu và cùng thưởng trà. Ở khu nhà bếp, một số bệnh nhân tình nguyện giúp cấp dưỡng nhặt rau, nấu ăn. Không khí ấm áp như một gia đình lớn.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Trung tâm tâm đắc nói: Để Trung tâm sạch, đẹp, bệnh nhân tỉnh táo, nơi ăn, ở gọn gàng, ngăn nắp là bởi có đội ngũ những người lao động làm việc trách nhiệm, trong đó có điều dưỡng Phạm Thị Luyến.

Tôi nhận ra ở chị từ cách làm việc tận tụy, không chỉ vì số tiền lương hằng tháng, mà vì lương tâm của người làm nghề cứu chữa căn bệnh tinh thần. Chị thấu được nỗi đau của người bệnh, giúp người bệnh cố gắng kiểm soát được ý thức, hành vi, ổn định tâm lý, yên tâm điều trị.

Cảm động nhường nào khi vào phiên trực đêm, chị lặng lẽ đi kiểm tra từng phòng trong khu nội trú. Tự tay chị ghép lại màn, kéo chăn ấm giúp bệnh nhân ngủ ngon giấc. Có đêm chị thức trắng để nghe một bệnh nhân nói chuyện đời. Dẫu biết là mơ hồ, nhưng chị nhẫn nại, kiên trì, đôi khi còn khuyến khích, tạo cơ hội cho bệnh nhân có một nụ cười hạnh phúc.

Phạm Ngọc Chuẩn