Cập nhật: Thứ hai 20/12/2021 - 09:22
Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra một số mặt hàng thực phẩm.
Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra một số mặt hàng thực phẩm.

Cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu mua sắm hàng hóa cũng như chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường tiêu dùng, sản xuất tăng cao. Vì thế, đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng thường lợi dụng để sản xuất, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng. Để bảo đảm thị trường cuối năm an toàn, lành mạnh rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đơn vị chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường (QLTT). Để làm rõ hơn về vấn đề QLTT dịp cuối năm, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Tạ Đình Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua, nhất là trước ảnh hưởng của dịch COVID-19?

Ông Tạ Đình Dũng: Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong 2 năm qua, từng loại hàng hóa có mức độ tiêu thụ khác nhau. Trong đó, mặt hàng có lưu lượng tăng mạnh tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực thực phẩm. Tại những thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, một bộ phận người dân có xu thế tích trữ để tiêu dùng.

P.V: Dịch COVID-19 đã tác động và làm thay đổi rất lớn đến hoạt động cũng như phương thức mua - bán của người dân. Vậy, lực lượng QLTT đã có những hình thức kiểm tra, kiểm soát như thế nào để thích ứng với sự thay đổi này, thưa ông?

Ông Tạ Đình Dũng: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã tăng cường hoạt động kinh doanh trực tuyến, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử. Do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT cũng phải có sự điều chỉnh để thích ứng trong nắm bắt, theo dõi, phát hiện những vi phạm trong kinh doanh trên môi trường mạng xã hội, các sàn giao dịch điện tử.

Trong năm 2021, Cục QLTT tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Tổ thương mại điện tử do Đội QLTT số 1 (đơn vị QLTT cơ động của Cục) giữ vai trò nòng cốt trong lĩnh vực này. Từ đầu năm, Cục đã giao chỉ tiêu định hướng về kiểm tra xử lý đối với lĩnh vực thương mại điện tử cho các đơn vị.

Theo đó, tính đến giữa tháng 12, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 1.772 lượt vụ; trong đó xử lý 1.562 vụ (tăng 121 vụ so với năm 2020), thu nộp ngân sách Nhà nước 6,9 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với cả năm 2020). Trong đó xử lý gần 100 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử.

P.V: Thị trường hàng hóa cuối năm nay có gì khác so với những năm trước? Ngành QLTT có những giải pháp gì trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp này, thưa ông?

Ông Tạ Đình Dũng: Thời gian tới, đặc biệt vào thời điểm giáp Tết, lưu thông hàng hóa chắc chắn sẽ tăng, cùng với đó là những vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp. Do đó, Cục đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) của tỉnh ban hành Kế hoạch cao điểm tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành.

Cùng với đó, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và UBND tỉnh để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm... góp phần vào phát triển thị trường lành mạnh, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về thị trường hàng hóa và xử lý vi phạm để người dân kịp thời nắm bắt.

P.V: Theo ông, đâu là trách nhiệm của người dân trong việc góp phần giữ gìn thị trường hàng hóa ổn định, bảo đảm cả về giá và chất lượng?

Ông Tạ Đình Dũng: Để có một thị trường ổn định và hệ thống thương mại ngày càng văn minh thì trách nhiệm của người dân (người tiêu dùng) là rất quan trọng. Mỗi người nên hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng hàng hóa từ những cơ sở kinh doanh rõ địa chỉ, có uy tín trên thị trường, chỉ mua hàng hóa sản phẩm có đầy đủ nhãn mác, thời hạn sử dụng.

Bên cạnh đó cần quan tâm phản ánh đầy đủ, chính xác đến cơ quan QLTT và các cơ quan chức năng về những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có những sai phạm, để kịp thời kiểm tra xử lý nghiêm.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hằng (Thực hiện)