Cập nhật: Thứ ba 28/12/2021 - 07:04
Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên kết nối với Khu công nghiệp Sông Công 2.
Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên kết nối với Khu công nghiệp Sông Công 2.

Với phương châm “giao thông đi trước một bước” và là huyết mạch của nền kinh tế, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Từ đó, tạo đà bứt phá đưa Thái Nguyên vươn lên trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư của cả nước.

Những ngày cuối cùng của năm, trên công trường thi công Dự án đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, không khí lao động vẫn rất nhộn nhịp, khẩn trương. Các nhà thầu đang tập trung máy móc, nhân lực để gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối; phấn đấu hoàn thành và đưa tuyến đường có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng này vào sử dụng trong quý I-2022.

Tuyến đường Vành đai V có chiều dài gần 10km, rộng 33m sẽ kết nối huyện Phú Bình với T.X Phổ Yên, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương của người dân; đồng thời tạo ra quỹ đất 2 bên đường rất lớn để thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư. Không chỉ có vậy, tuyến đường sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đến Thái Nguyên và từ Thái Nguyên đến Hà Nội, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 37 và Quốc lộ 3 cũ.

Toàn tỉnh hiện có gần 5.000km đường bộ giao thông, trong đó: Đường cao tốc 39km, quốc lộ 284km, đường tỉnh 374km, đường đô thị 159km, đường huyện 742km và đường xã trên 3.200km; 100% các tuyến Quốc lộ và cao tốc đã được thảm bê tông nhựa với chất lượng phục vụ tốt; trên 95% chiều dài các tuyến đường tỉnh được nhựa hóa, mở rộng mặt đường từ 3,5m lên 5-5,5m.

Cùng với đường Vành đai V, hiện nay, hàng loạt dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh cũng đang được gấp rút hoàn thành, như: Dự án đường Bắc Sơn kéo dài với tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT261, tổng mức đầu tư gần 220 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT266, trên 200 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT273 từ xã Hóa Thượng đi xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), trên 120 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà, trên 170 tỷ đồng…

Ngược dòng quá khứ, khi tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài thường có phần dè dặt, e ngại do hạ tầng giao thông của tỉnh kết nối với Thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, những năm gần đây, Thái Nguyên đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ để xóa nhòa định kiến về một địa phương vùng trung du miền núi, giao thông cách trở. 

Dự án đường Bắc Sơn kéo dài với tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong đầu năm 2022. Trong ảnh: Đơn vị thi công đang tích cực hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của Dự án.

Bên cạnh việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các tuyến giao thông “đối nội”, hàng loạt những dự án giao thông "đối ngoại" kết nối Thái Nguyên với Vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận đã được đầu tư xây dựng, như: Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đường Thái Nguyên - Chợ Mới; đường Hồ Chí Minh giai đoạn I. Cùng với đó là các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 3 cũ Thái Nguyên - Hà Nội, Quốc lộ 3C, Quốc lộ 37, Quốc lộ 17… cũng được triển khai theo đúng quy hoạch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 tuyến quốc lộ kết nối với các địa phương trong khu vực. Sự kết nối giữa các quốc lộ với những tuyến đường địa phương (đường tỉnh) đã tạo thành hệ thống đường giao thông rộng khắp, liên kết Thái Nguyên với các tỉnh lân cận và vùng trung du miền núi phía Bắc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương lân cận.

Ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội, thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm hình thành trục giao thông huyết mạch, mang tính liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Dự án Đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trùng Đại lộ Đông – Tây Khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu) đã cơ bản hoàn thành, dự kiến sẽ bàn giao đưa vào sử dụng vào quý I/2022.

Để thực hiện mục tiêu đó, tại 4 kỳ họp gần đây, HĐND tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2021-2026) đã liên tiếp thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư 11 dự án giao thông trọng điểm của tỉnh với tổng mức đầu tư trên 8.100 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn gồm: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc (3.780 tỷ đồng); đường Vành đai I và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, Đồng Hỷ (1.152 tỷ đồng); tuyến đường gom bên trái cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn từ nút giao Sông Công đến nút giao Tân Lập (863 tỷ đồng); đường vành đai V, đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang (700 tỷ đồng)…

Có thể thấy rằng, với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ sẽ là nền tảng và đòn bẩy vững chắc để Thái Nguyên tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương có nền kinh tế phát triển năng động nhất cả nước.

Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Thái Nguyên luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, toàn tỉnh có 170 dự án FDI; 687 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đầu tư trên 8 tỷ USD và trên 122 nghìn tỷ đồng.
Nguyên Ngọc