Hang xóm Trại
Hang xóm Trại là di tích khảo cổ cấp quốc gia, nằm ở sườn phía đông của núi Khụ Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn), thuộc trung tâm Mường Vang - một trong bốn Mường lớn của Hòa Bình. Các nhà khoa học đã phát hiện trong hang hàng nghìn hiện vật bằng đá, xương, sừng, gốm và dấu tích của các vỏ nhuyễn thể và thực vật; đặc biệt là các mảnh vỏ trấu, hạt thóc và một số hạt gạo cháy dở nằm ở độ sâu từ 0 - 80cm và các lối đi cổ có niên đại cách ngày nay hàng vạn năm… Đây là minh chứng cho dấu vết cổ xưa của người nguyên thủy ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Di tích hang xóm Trại là nơi được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tìm hiểu về nền văn hóa Hòa Bình. Đến với di tích, du khách còn được tham quan khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời và tìm hiểu về đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mường.
Hang Chổ
Hang Chổ (xóm Hui, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn) là di tích khảo cổ cấp quốc gia, nằm cách thành phố Hòa Bình 42km về phía đông nam. Hang Chổ được tổ chức khai quật và nghiên cứu nhiều lần, làm phát lộ hàng nghìn hiện vật như xương động vật, các công cụ đá, công cụ chặt, công cụ hình dĩa và một số mảnh tước các loại. Kết quả nghiên cứu khoa học đã khẳng định: Di tích hang Chổ là nơi cư trú lâu dài của cư dân thời tiền sử ở Hòa Bình, đồng thời còn là di chỉ xương có niên đại cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Đây cũng là hang động được nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao, thường xuyên tìm đến để nghiên cứu.
Khu mộ cổ Đống Thếch
Di tích Khu mộ cổ Đống Thếch thuộc xóm Chiềng Động (xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi). Với diện tích lên tới hàng vạn mét vuông, trải qua nhiều đời, Khu mộ cổ Đống Thếch là nơi tập trung hàng trăm ngôi mộ cổ của nhiều thế hệ thuộc dòng họ Đinh ở Mường Động. Các nhà khảo cổ khai quật khu mộ năm 1986 đã thu được hàng nghìn hiện vật có giá trị. Đây là tư liệu quan trọng để tìm hiểu về táng tục của người Mường và nghiên cứu về xã hội Mường thời cổ.