Cập nhật: Thứ ba 04/01/2022 - 12:17
Tiêm vắc- xin phòng COVID-19 cho học sinh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên.
Tiêm vắc- xin phòng COVID-19 cho học sinh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên.

Hơn 2 tháng qua, số ca mắc COVID-19 của Thái Nguyên tăng cao. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh trên địa bàn vẫn cơ bản được kiểm soát (tình hình dịch COVID-19 của Thái Nguyên được đánh giá ở Cấp độ 1). Dù vậy, trước thông tin Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng mới Omicron (ngày 28-12-2021), Thái Nguyên đã tăng cường nhiều biện pháp để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Đến nay, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở hơn 100 quốc gia. Hiện tại, những nghiên cứu đều cho thấy sự lây lan mạnh mẽ và nguy hiểm của biến chủng này không hề kém biến chủng Delta. Omicron được đánh giá là biến chủng "đáng lo ngại", bởi 80% ca nhập viện là những người trẻ tuổi, nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao hơn 3 lần so với Delta và Beta; lây lan gấp từ 5 - 6 lần Delta; gây ra khả năng tái nhiễm cao gấp từ 3 - 8 lần so với Delta. Bởi vậy, Thái Nguyên không lơ là, chủ quan với biến thể Omicron.

Để ngăn ngừa biến chủng này xâm nhập vào tỉnh, hiện nay, các cấp, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức cho người dân trong việc chủ động phòng bệnh, tuân thủ 5K, hạn chế đi lại, tụ tập, giao lưu… khi không cần thiết và tiêm vắc- xin phòng COVID-19 đầy đủ (hơn 97% số người từ 18 tuổi trở lên ở Thái Nguyên đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc- xin phòng bệnh).

Cùng với đó, cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã luôn tích cực bám sát tình hình để sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào tỉnh; quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao; tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch; nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, oxy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa…

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên nói: Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để chủ động ứng phó với biến chủng Omicron, ngoài việc chỉ đạo trạm y tế các xã, phường củng cố trạm y tế lưu động, chúng tôi còn tăng cường các loại vật tư y tế , thuốc điều trị, nguồn ô xy… phục vụ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cho các đơn vị.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2022. Đây là thời điểm các hoạt động đi lại, vui chơi… của người dân gia tăng tiềm ẩn nguy cơ tăng số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn. Bởi vậy, tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát dịch. Đồng thời xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống cũng như điều trị chi tiết khi chủng này xuất hiện trên địa bàn; tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, trong đó chú trọng tăng cường y tế cơ sở, phân tầng hợp lý, can thiệp y tế kịp thời. Đặc biệt là tăng cường xét nghiệm đối với các trường hợp trở về từ Hà Nội, Bắc Ninh và công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp…

Song song với đó là giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là với trên 2.300 tổ COVID cộng đồng, trên 140 trạm y tế lưu động; chủ động rà soát, giám sát, cách ly, xét nghiệm, quản lý người có nguy cơ cao (hiện tỉnh có hơn 20 điểm hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch COVID-19), nhất là đối với những trường hợp đến, trở về từ nơi có diễn biến dịch phức tạp, người nhập cảnh vào Thái Nguyên, người đã kết thúc cách ly y tế, người điều trị khỏi bệnh trở về địa phương…

Thực tế cho thấy, Thái Nguyên đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với biến chủng mới - Omicron. Trong đó, tỉnh vẫn kiên định với giải pháp điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, dập dịch. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn đạt kết quả cao, thời gian tới, việc tỉnh luôn thay đổi các giải pháp ứng phó với dịch cho phù hợp với tình hình mới là rất cần thiết.

Tùng Lâm