Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS ước tính cả nước có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống, hiện nay số người nhiễm HIV báo cáo được phát hiện là 213.833 người (có khoảng 5% trùng lặp) giảm so với năm 2020 là 13.995, số tử vong tích lũy là 110.990 người, số tử vong mới trong năm 2021 là 1.856 người.
Trong năm 2021, toàn quốc phát hiện 13.223 người nhiễm HIV cao nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long 27% và TP Hồ Chí Minh 26%, khu vực Đông Nam Bộ là 15%, khu vực miền núi phía Bắc 8%, miền Trung và đồng bằng Sông Hồng 4%, Tây nguyên 2%.
Tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh trong nhóm MSM (tình dục đồng giới), trong đó tỷ lệ nam giới cao hơn rất nhiều so với nữ, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%), tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh thành đường lây chính.
Trong số nhiễm mới năm 2021: 84,7% là nam giới, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%).
Nhìn chung, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm đáng kể và tỷ lệ chung trong cộng đồng được kiểm soát ở mức dưới 0,3%.
Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS trong vài năm gần đây có diễn biến đáng quan ngại. Tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng gia tăng ở một số đại phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Trong khi tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ bán dâm được khống chế ở mức thấp (trên dưới 3%) trong nhiều năm, thì tỷ lệ này ở nhóm tiêm chích ma túy vẫn có khá cao (trên 12%). Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng lên một cách đáng lo ngại, từ 6,7% năm 2014 lên 12,2% (2017) và 13,3% (2020). Một số địa phương, tỷ lệ MSM chiếm đến 50-70% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2021, công tác phòng chống HIV/AIDS đạt được những thành công đáng ghi nhận như: Cam kết về chính trị mạnh mẽ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn được kiện toàn, mở rộng đa dạng hóa xét nghiệm HIV, bảo đảm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong bối cảnh COVID-19, thí điểm cấp thuốc Methadone dài ngày, mở rộng điều trị ARV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị viêm gan trên bệnh nhân đồng nhiễm HIV/VGC, bảo đảm tài chính cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, linh hoạt sáng tạo vượt qua COVID-19 đạt các nhiệm vụ chỉ tiêu giao và tích cực tham gia phòng chống COVID-19.
Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, năm 2022, Cục tiếp tục xây dựng trình cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các Nghị định số 90/2016/NĐ-CP, Nghị định số 75/2016/NĐ-CP, sửa đổi Quyết định 120/2008/QĐ-TTg, ban hành Thông tư thay thế liên quan đến Hướng dẫn giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; các quy định chế độ báo cáo công tác phòng, chống HIV/AIDS…
Bên cạnh đó, đa dạng và mở rộng xét nghiệm HIV, phấn đấu phát hiện mới 10.000 trường hợp nhiễm HIV; duy trì điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho trên 50.000 bệnh nhân; mở rộng triển khai cấp phát thuốc Methadone cho bệnh nhân mang về nhà tại 6 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng, Lào Cai, Bắc Giang và Nghệ An; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) cho 45.000 bệnh nhân; mở rộng điều trị ARV cho 170.000 bệnh nhân HIV/AIDS; tiếp tục duy trìchất lượng điều trị, đảm bảo tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế trên 95%.
Đặc biệt là tiếp tục tăng số lượng bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV nguồn Bảo hiểm y tế lên 120.000 bệnh nhân; hướng dẫn các địa phương xây dựng và trình duyệt đề án, kế hoạch đảm bảo tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS theo Quyết định1246/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.