Dấu ấn từ tinh thần “6 dám”
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng với tinh thần “6 dám” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu”, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên quyết tâm lãnh đạo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Tại nhiều diễn đàn lớn của tỉnh, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã khẳng định: Ở đâu người đứng đầu nghiêm túc, trách nhiệm, thì ở đó sẽ có tập thể vững mạnh, phát triển. Chính bởi vậy, phát huy vai trò gương mẫu, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm được Tỉnh ủy đề cao trong việc triển khai mọi nhiệm vụ để tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng làm rõ trách nhiệm, phân cấp, đi sâu sát về cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động trong giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những vấn đề mới phát sinh trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở.
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và những định hướng lớn, nội dung cơ bản trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vào cuộc sống, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua 12 chương trình, 32 đề án và 21 kế hoạch nhằm tập trung đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng quyết liệt, cụ thể, thiết thực, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu; làm việc theo chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định, không bao biện làm thay, không buông lỏng quản lý.
BTV Tỉnh ủy đã làm việc trực tiếp với BTV cấp ủy các huyện Phú Bình, Đại Từ và T.P Sông Công, T.X Phổ Yên. Kết quả của quá trình làm việc này là sự ra đời của các nghị quyết về xây dựng, phát triển huyện Phú Bình cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025; huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025; xây dựng và phát triển T.P Sông Công đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung phát triển T.X Phổ Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025.
Bên cạnh đó, để đánh giá việc triển khai thực hiện nghị quyết và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với 27 sở, ban, ngành, đơn vị.
Để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số. Qua một năm thực hiện Nghị quyết đã giúp tỉnh nắm bắt thời cơ, mở ra các cơ hội phát triển mới trong công tác quản lý của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống và làm việc của người dân, là bước đi phù hợp với xu thế của đất nước, khu vực và thế giới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh trên 170 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 9 tỷ USD. Trong ảnh: Nhà máy gỗ Dongwha mới đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Sông Công II. Ảnh: N.N
Những trái ngọt đầu tiên
Nỗ lực chuyển đổi số đã giúp Thái Nguyên hiện thực hóa nhiều mục tiêu đề ra. 100% các thủ tục hành chính đã được áp dụng mức độ 4, vượt mục tiêu đề ra. Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) được đưa vào hoạt động. Tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng nền tảng công dân số “C-ThaiNguyen”, nền tảng xã hội số “ThaiNguyen ID”, các ứng dụng, giải pháp công nghệ phòng, chống dịch COVID-19...
Môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện theo hướng thông thoáng, công khai, minh bạch. Thái Nguyên đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh với trên 170 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 9 tỷ USD và 817 dự án đầu tư ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 141,5 nghìn tỷ đồng. Đây chính là nguồn lực mới giúp tỉnh sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Cùng với thu hút đầu tư, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Trên cơ sở các nguồn lực phân bổ của Trung ương, Thái Nguyên đã chủ động phối hợp triển khai dự án đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc…
Công tác xây dựng Đảng được tăng cường trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Hệ thống chính trị được củng cố, tổ chức bộ máy ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cấp ủy các cấp đã thực hiện tốt việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận gắn với xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện phù hợp với thực tế. Năm 2021, toàn tỉnh kết nạp 2.332 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên 95.672 người.
Với phương châm không có vùng cấm, ngoại lệ, năm 2021, BTV Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã kiểm tra 1.687 tổ chức đảng và 795 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 101 tổ chức đảng, 84 đảng viên. Qua kiểm tra đã xem xét, đề nghị xử lý nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm…
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thái Nguyên vẫn giữ vững là “vùng xanh” trên bản đồ dịch bệnh của cả nước. Tỉnh thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, các lĩnh vực an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Cùng với việc ban hành các chính sách hỗ trợ đối với người dân, lực lượng tham gia chống dịch, tỉnh đã hỗ trợ người dân Thái Nguyên đang sinh sống tại T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam trên 23 tỷ đồng…
Những thành tựu của năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp là động lực, tiền đề vững chắc để hiện thực hóa khát vọng về một Thái Nguyên giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.