Thành công bước đầu
Theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, hoạt động thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 1 bắt đầu từ giữa tháng 11 cho đến hết tháng 12-2021, tại 5 địa phương: Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ngay khi đón đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Hội An vào ngày 17-11-2021, thị trường du lịch inbound (đón khách quốc tế) đã dần khởi sắc. Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy, chỉ trong nửa tháng thực hiện thí điểm (nửa cuối tháng 11-2021), Việt Nam đã đón gần 1.000 khách quốc tế.
Đặc biệt, trong tháng 12-2021, khách quốc tế đến Việt Nam khá đông, nhất là vào dịp cuối năm. Tại Phú Quốc, trong ngày 25 và 26-12 đón gần 1.000 khách Nga, Uzbekistan... Trong hai tháng cuối năm 2021, tỉnh Khánh Hòa tổ chức đón hơn 3.800 khách, nhiều nhất là khách Hàn Quốc, Nga; tỉnh Quảng Nam đón gần 250 khách, gồm nhiều quốc tịch: Nga, Thụy Điển, Mỹ, Hà Lan... Là một trong những vị khách đầu tiên đến tỉnh Quảng Nam, ông Bob Timmermans (Hà Lan) bày tỏ: “Tôi ấn tượng với cách tổ chức chu đáo, an toàn, nên rất yên tâm khi đến du lịch tại Việt Nam”...
Đánh giá việc thí điểm đón khách quốc tế trong giai đoạn 1, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, khách quốc tế trở lại không chỉ thúc đẩy việc khởi động các dịch vụ, mà còn góp phần làm cho thị trường du lịch khởi sắc. Còn theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường, việc thí điểm đón khách quốc tế đã giúp các địa phương đánh giá lại năng lực tổ chức cũng như rút kinh nghiệm để sẵn sàng cho việc mở rộng quy mô đón khách, sớm phục hồi du lịch.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: "Giai đoạn 1 thí điểm đón khách quốc tế tại Việt Nam bước đầu đã thành công. Việc thí điểm đón khách quốc tế được thực hiện bài bản, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, không để xảy ra sai sót, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách”.
Khách du lịch nước ngoài làm thủ tục nhập cảnh, khai báo y tế tại sân bay quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), ngày 25-11-2021. Ảnh: Xuân Ngọc
Mở rộng đón khách quốc tế
Sau thành công của giai đoạn 1 thí điểm đón khách quốc tế, Việt Nam triển khai thực hiện giai đoạn 2 theo đúng kế hoạch (từ ngày 1-1-2022). Ngày 3-1-2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Văn bản số 61/VPCP-KGVX yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp với các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bình Định tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Chủ động thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện các địa phương được phép đón khách du lịch quốc tế đã lên kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động để có thể đón lượng khách lớn trong năm 2022. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa dự kiến tổ chức nhiều sự kiện du lịch biển nhằm thu hút khách quốc tế; thành phố Hồ Chí Minh cũng nới lỏng nhiều hoạt động, đồng thời cho phép tổ chức các sự kiện phục vụ du khách quốc tế... Trong số 5 địa phương thực hiện đón khách quốc tế giai đoạn 1, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ninh vẫn khá thận trọng nhưng đã tập trung hoàn thiện các cơ sở dịch vụ để đón khách trong giai đoạn 2.
Đặc biệt, thông tin từ các hãng hàng không về việc mở trở lại các đường bay quốc tế từ ngày 1-1-2022 tới các thị trường, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… cũng mang đến tín hiệu tích cực về việc tăng lượng khách quốc tế trong giai đoạn 2.
Mặc dù đã có những tín hiệu vui từ hoạt động thí điểm đón khách quốc tế, song theo nhiều đơn vị lữ hành, một số địa phương đủ điều kiện vẫn khá e dè trong việc mở cửa. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, việc đón khách cần thận trọng, song nếu các địa phương e dè quá mức, khiến cho ngành Du lịch mất cơ hội “vàng” đón khách quốc tế, gây khó khăn cho việc phục hồi. Cũng theo ông Vũ Thế Bình, để việc đón khách quốc tế đạt hiệu quả, các địa phương cần học hỏi mô hình đón khách đã thành công ở giai đoạn 1, thống nhất trong việc khơi thông “hành lang du lịch an toàn”.
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, điều quan trọng nhất là các địa phương phải sẵn sàng các dịch vụ, quy trình đón khách bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đồng thời phải có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị cung ứng dịch vụ, trong đó có hàng không, vận chuyển, lữ hành.
Hà Nội dù chưa phải là địa phương thí điểm nhưng hiện Sở Du lịch Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch năm 2022, trong đó chuẩn bị các điều kiện để đón khách quốc tế. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đang định hướng các đơn vị kinh doanh du lịch trong việc xây dựng thêm sản phẩm mới, tăng tính trải nghiệm cho du khách; đồng thời lên kế hoạch tổ chức, quảng bá các sự kiện để thu hút khách trong nước và quốc tế, như: Lễ hội áo dài, lễ hội ẩm thực, lễ hội quà tặng…