Cập nhật: Thứ hai 10/01/2022 - 16:03
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ ngày 16-20/1, Việt Nam sẽ tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) năm 2022 với chủ đề “Một cộng đồng vì hòa bình và tương lai chung” (A Community of Peace and Shared Future) tại Sihanoukville (Campuchia). Đây là sự kiện lớn nhất trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN.

Diễn đàn Du lịch ASEAN năm 2022 gồm nhiều sự kiện quan trọng như: Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga), tổ chức đối tác; Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN và Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN và các nước đối tác; Hội chợ Du lịch Quốc tế TRAVEX; Lễ trao Giải thưởng Du lịch ASEAN; Họp báo các Bộ trưởng Du lịch ASEAN cùng nhiều hoạt động bên lề…

Tại Diễn đàn năm 2022, Việt Nam có nhiều đơn vị thuộc 4/5 hạng mục được trao Giải thưởng Du lịch ASEAN. Đó là hạng mục giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN; Hạng mục giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN; Hạng mục giải thưởng địa điểm tổ chức MICE ASEAN; Hạng mục Giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững (khu vực nông thôn và thành thị)…

TRAVEX - hội chợ du lịch quốc tế chuyên nghiệp lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là hoạt động chính nằm trong Diễn đàn Du lịch ASEAN với sự tham gia đông đảo của các bên giới thiệu, bán sản phẩm du lịch trong khu vực và thế giới. Tại hội chợ cũng sẽ diễn ra các hoạt động triển lãm, giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ người mua và người bán, họp báo của các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN, hội thảo bên lề. Tham gia Hội chợ TRAVEX năm 2022, gian hàng chung du lịch Việt Nam với chủ đề “Live Fully in Vietnam” do Tổng cục Du lịch chủ trì với sự tham gia của một số địa phương trọng điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ASEAN là một trong những thị trường, đối tác quan trọng của du lịch Việt Nam. Năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Các thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN năm 2019 là: Malaysia (chiếm 3,4% tổng lượng khách), Thái Lan (chiếm 2,8% tổng lượng khách), Singapore (chiếm 1,7% tổng lượng khách), Campuchia (chiếm 1,3% tổng lượng khách)...

Năm 2019, khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Thị trường nguồn của khu vực ASEAN chủ yếu là khách nội khối và Đông Bắc Á...

Diễn đàn Du lịch ASEAN lần thứ nhất được tổ chức năm 1981 tại Kuala Lumpur (Malaysia). Việt Nam đã 2 lần đăng cai Diễn đàn Du lịch ASEAN vào năm 2009 tại Hà Nội và năm 2019 tại Hạ Long (Quảng Ninh)…

Năm 2021, do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021. Số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 3.500 lượt. Khách du lịch nội địa đạt ước 40 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm khoảng 42% so với năm 2020.

Năm 2022, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch (khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa), bằng 150% so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.


Theo Báo tin tức