Một ngày đầu Xuân, chúng tôi có dịp trở lại xã Tân Thành và chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất này. Những khoảnh đồi trống trước kia nay đã được phủ bởi màu xanh của keo, mỡ, bạch đàn… Tại những cánh rừng ở xã hiện nay, không một diện tích đất nào bị bỏ trống. Xen giữa những tán rừng xanh ngắt là các ngôi nhà cao tầng khang trang = "trái ngọt" từ rừng đem lại cho người dân Tân Thành.
Ông Hoàng Văn Giới, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, chia sẻ: Xã có trên 1.500ha đất lâm nghiệp, chiếm trên 60% tổng diện tích đất tự nhiên. Những năm trước đây, bà con thường có tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước trong công tác trồng rừng. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, khi thấy rõ hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại, phần lớn người dân đều chủ động nguồn cây giống để khai thác đến đâu thì tiến hành trồng thay thế ngay đến đó. Hàng năm, xã đều có kế hoạch trồng rừng giao cho các xóm, tuyên truyền người dân không để đất “nghỉ”.
Là một trong những hộ dân có diện tích đất rừng khá lớn ở Tân Thành, ông Liểu Văn Chè, ở xóm Suối Lửa, cho hay: Gia đình tôi hiện đang trồng gần 10ha cây keo lai. Với chu kỳ trồng từ 6-7 năm, khi đến kỳ thu hoạch, gia đình tôi có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng. Ngay sau khi diện tích keo được thu hoạch, tôi tiến hành mua cây giống về trồng thay thế luôn.
Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, xã Tân Thành trồng mới từ 75-80ha rừng, nâng độ che phủ rừng hiện nay của địa phương lên trên 40%. Mỗi năm, người dân khai thác khoảng 2.700m3 gỗ tròn các loại, với giá trị kinh tế thu được từ 150-170 triệu đồng/ha/chu kỳ 5-7 năm.
Hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại đã thấy rõ, xã Tân Thành tiếp tục khuyến khích người dân phát huy thế mạnh, gắn trồng rừng với phát triển nghề chế biến lâm sản ngay tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Ban Lâm nghiệp xã thông tin: Trước đây, các loại gỗ keo người dân trồng ra phần lớn đều được chở đi nơi khác để chế biến, tiêu thụ nên tốn khá nhiều công sức và thời gian. Nhưng nay, với trên 30 cơ sở chế biến lâm sản (tăng hơn 20 cơ sở so với năm 2015) chuyên bóc ván, ép ván, băm răm, xẻ gỗ… trên địa bàn, bà con khai thác rừng đến đâu có thể chế biến ngay đến đó mà không cần phải mang đi xa. Các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản không chỉ giúp người dân tiêu thụ, chế biến được nguồn nguyên liệu tại chỗ mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Hiện bình quân mỗi cơ sở có 12 công nhân, với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ phát triển kinh tế rừng gắn với chế biến lâm sản, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người xã Tân Thành đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng gần 20 triệu đồng/người/năm so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 60 hộ (giảm trên 200 hộ so với năm năm 2015)…
Ông Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết thêm: Xác định trồng rừng là thế mạnh của địa phương, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích bà con tận dụng thế mạnh, khai thác rừng đến đâu trồng mới ngay đến đó, không để đất trống. Tân Thành phấn đấu diện tích rừng trồng mới hàng năm đạt từ 100ha trở lên; duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%... Đối với các cơ sở chế biến lâm sản mới thành lập, xã cũng tạo điều kiện miễn giảm thuế từ 3-6 tháng, đồng thời tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.