Dự báo năm 2022, biến đổi khí hậu, thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của quân đội đòi hỏi ngày càng cao.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (CH-CN), Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) về nội dung này.
Phóng viên (PV): Năm vừa qua, cùng với phòng, chống dịch COVID-19, Quân đội ta tiếp tục thể hiện rõ nét vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu trong ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả chính của công tác này?
Thiếu tướng Doãn Thái Đức: Năm 2021, không chỉ đại dịch COVID-19 mà các sự cố, thiên tai cũng diễn biến hết sức phức tạp. Cả nước xảy ra 1.816 sự cố, thiên tai, làm chết và mất tích 574 người, 401 người bị thương; chìm, cháy, hỏng gần 500 phương tiện; cháy 800 nhà xưởng, hơn 1.200ha rừng và hơn 300.000ha lúa, hoa màu... ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 5.200 tỷ đồng.
Yêu cầu nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN của quân đội nói chung, nhiệm vụ của Cục CH-CN nói riêng đòi hỏi ngày càng cao, nhất là việc triển khai xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng và BTTM, Cục CH-CN đã phát huy tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn toàn quân và phối hợp với các lực lượng, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.
Cục CH-CN luôn chủ động tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, BTTM chỉ đạo các lực lượng thực hiện tốt công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN; chỉ đạo duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nắm chắc tình hình, đề xuất điều động các lực lượng trong và ngoài quân đội thực hiện tốt công tác ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố, thiên tai và TKCN.
Cục CH-CN cũng tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tham mưu xây dựng các văn bản để chỉ đạo điều hành về lĩnh vực phòng thủ dân sự và ứng phó sự cố, thiên tai, TKCN, nhất là hoàn thành Kế hoạch công tác 5 năm (2021-2025) của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; Kế hoạch ứng phó với các sự cố, thảm họa hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân của Bộ Quốc phòng; ban hành Danh mục trang thiết bị phòng thủ dân sự; làm hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng thủ dân sự; Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần...
Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, địa phương huấn luyện, diễn tập, hội thi hội thao, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN và khả năng cơ động lực lượng ứng phó trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt. Điển hình là diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó siêu bão và TKCN của Quân khu 3 và diễn tập ứng phó sự cố hóa học, môi trường của Binh chủng Hóa học... Cục còn tham mưu giúp Bộ Quốc phòng đăng cai tổ chức tốt môn thi “Vùng tai nạn” trong Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 tại Việt Nam và trực tiếp chỉ đạo đội tuyển Việt Nam tham gia môn thi này đoạt huy chương bạc.
PV: Đồng chí có thể chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 mà Cục CH-CN tập trung thực hiện?
Thiếu tướng Doãn Thái Đức: Năm 2022, đất nước tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nhất là đại dịch COVID-19, thiên tai ngày càng phức tạp, khốc liệt... Nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của quân đội có sự bổ sung, phát triển với yêu cầu ngày càng cao.
Cục CH-CN là cơ quan tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và BTTM chỉ đạo toàn quân thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Do đó, chúng tôi xác định năm 2022 phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt một số nội dung chính: Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của cấp trên, tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, duy trì nghiêm chế độ ứng trực, kịp thời đề xuất, chỉ đạo xử lý kịp thời các tình huống sự cố, thiên tai để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản; tiếp tục tham mưu xây dựng các văn bản quan trọng về ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, về phòng thủ dân sự và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả; phối hợp tổ chức tốt các khóa đào tạo, tập huấn, huấn luyện cho các lực lượng và tổ chức diễn tập sát với yêu cầu thực tế để nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, phòng thủ dân sự...
PV: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN năm 2022, toàn quân cần phải làm gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Doãn Thái Đức: Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN được xác định là "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" của Quân đội ta. Để tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt trong công tác này, trước hết, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, BTTM về nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xây dựng quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, duy trì chặt chẽ nền nếp chế độ ứng trực, luôn nắm chắc tình hình, diễn biến của thiên tai, sự cố; có kế hoạch, phương án chuẩn bị chu đáo sát với từng nhiệm vụ, địa bàn và luôn chủ động lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án sát với tình hình thực tế, phù hợp với từng loại hình thiên tai, sự cố có tính khá phổ biến trên địa bàn, như: Lốc xoáy, mưa đá, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá, cháy nổ, sập đổ công trình...
Ba là, công tác chỉ huy, hiệp đồng phải được tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới, phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp, các lực lượng tham gia và cấp ủy, chính quyền địa phương. Công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN phải có sự chỉ đạo, điều hành thống nhất giữa các lực lượng của quân đội và lực lượng dân sự cùng làm nhiệm vụ trên địa bàn.
Bốn là, chủ động tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN phù hợp với từng tình huống; sẵn sàng mọi mặt để kịp thời ứng phó với những tình huống bất ngờ.
Tăng cường huấn luyện khả năng cơ động và thực hành TKCN, công tác bảo đảm an toàn; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với tổ chức diễn tập các phương án nhằm nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng, khả năng ứng phó với các hình thái thiên tai, năng lực TKCN trong điều kiện khó khăn, phức tạp...
Năm là, luôn vận dụng tốt phương châm “4 tại chỗ”, phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huy động, trưng dụng phương tiện, trang bị, vật tư của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ngoài quân đội tham gia công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN để đáp ứng kịp thời các tình huống.
Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra và làm tốt sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời tuyên truyền, động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Năm 2021, Cục CH-CN đã đề xuất điều động gần 65.000 lượt người/5.908 lượt phương tiện ứng phó, xử lý kịp thời 1.544 vụ sự cố, thiên tai, cứu được 2.050 người và 161 phương tiện.
Riêng quân đội đã điều động hơn 41.000 lượt người (chiếm 64%) và gần 4.000 lượt phương tiện (chiếm 67%) tham gia cứu nạn hiệu quả 1.005 vụ (chiếm 65%), cứu được 1.144 người và 99 phương tiện; di dời gần 8.000 hộ dân đến nơi an toàn, khắc phục 1.643 nhà dân hư hỏng, dập cháy 433 ngôi nhà và gần 1.200ha rừng; kêu gọi hơn 395.000 lượt phương tiện với hơn 1.800.000 lượt người kịp thời tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới...