Cập nhật: Thứ năm 27/01/2022 - 15:24
Dù có bận rộn đến đâu, người dân thôn quê vẫn gói, luộc bánh chưng như một cách để lưu giữ nét đẹp, phong tục văn hóa, ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Lưu Phượng
Dù có bận rộn đến đâu, người dân thôn quê vẫn gói, luộc bánh chưng như một cách để lưu giữ nét đẹp, phong tục văn hóa, ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Lưu Phượng

Tết là biểu hiện sự giao cảm linh thiêng giữa trời đất, vạn vật, thần linh, con người trong sự vận hành của vũ trụ. Tết còn là một cuộc trở về. Trở về với quê hương, tổ tiên nguồn cội và trở về với chính mình. Tôi đã lớn và xa quê, đến với nhiều miền đất lạ, sống và cảm nhận phần nào không khí Tết nơi thị thành. Thế nhưng dư vị Tết quê vẫn luôn thẳm sâu trong trái tim tôi, như một phần không thể thiếu của đời người.

Đậm đà Tết quê

Tôi tin rằng người Việt Nam, bất cứ ai, dù ở đâu, làm nghề gì, dịp cuối năm đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, được thăm lại cây đa, giếng nước, sân đình, cúi vọng trước ban thờ tổ tiên để sống lại thời thơ ấu ăm ắp kỷ niệm. “Về quê ăn Tết” là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi "chôn nhau cắt rốn". Bởi thế, người xa xứ thường có tâm trạng bồi hồi khi trở về quê hương trong ngày Tết. 

Khi cái rét vơi dần để nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp thì dường như đâu đó mùa Xuân đang hiện diện trên mỗi nẻo đường quê. Xuân mênh mang trên những bãi cỏ xanh mượt, thì thầm qua những mầm non lộc biếc, đọng trên những đóa hoa chớm nở và những khuôn mặt rạng rỡ vui tươi. Nhưng đó là cảm nhận mùa Xuân của thiên nhiên, còn Xuân ở nơi quê nghèo lam lũ thường đến muộn hơn thị thành.

Tôi vẫn nhớ như in những tháng năm đi học xa nhà, tầm 20-25 tháng Chạp Âm lịch, ở phố đã rộn ràng với đủ thứ hàng hóa được bày bán, người người đi chơi Tết. Tôi cũng mua đồ, khăn gói về quê nhưng không khí trái ngược. Bố mẹ tôi và những người nông dân vẫn bình thản, cần mẫn cấy, cày trên những cánh đồng cho kịp vụ xuân; phiên chợ thưa vắng người bởi ai cũng muốn hoàn thành nốt công việc đồng áng, rồi đợi giáp Tết đi sắm sửa một thể. 

Tết quê đến bắt đầu từ khoảng 25-26 tháng Chạp, khi nhà nhà thực hiện nghi lễ tảo mộ, ăn chạp, họ. Đây là việc làm quan trọng, thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với tổ tiên. Khi đó, một gia đình, hay đại diện dòng họ thường mang dụng cụ đi dọn dẹp, sửa sang phần mộ tổ tiên; mang hương, hoa, lễ vật đến thắp hương, mời người đã khuất về ăn Tết cùng con cháu, rồi tổ chức bữa cơm tập trung tại nhà ông trưởng họ.

Ở thành thị không khí Tết đến sớm hơn thôn quê, với những gian hàng phong phú, chợ hoa rực rỡ, người người đi chơi, sắm Tết. Ảnh : Lăng Khoa

Rõ nét nhất là từ 27-29 Tết, khi chợ phiên đã bắt đầu đông dần với những gian hàng hóa tràn ngập, từ quần áo, bánh kẹo, mứt tết, hoa, trái... người lớn, trẻ con dắt díu nhau ra chợ, vui vẻ cười nói, hỏi thăm nhau chuyện sắm Tết. Người quê dù bận rộn là thế, nhưng cũng muốn làm đủ các việc để có một không khí Tết đầm ấm, đủ đầy, đậm chất quê. Từ việc đi lễ Tết họ hàng; đụng lợn, gói bánh chưng và nhiều loại bánh khác, chuẩn bị mâm ngũ quả... Bởi tất cả việc trên đều tự làm, nên huy động anh em, làng xóm, con cháu cùng tham gia, tạo ra sự gắn kết cộng đồng. 

Ngày 30 Tết, trong nhà, ngoài ngõ đều sạch sẽ, gọn gàng. Mọi người, mọi nhà tất bật chuẩn bị một mâm cơm chu đáo để cúng gia tiên, vừa thể hiện lòng thành kính, vừa báo cáo những công việc đã làm được trong năm. Nhiều người thực hiện tục lệ “xông nhà đầu năm” , không có tiếng pháo hoa như phố nhưng ai cũng có những cảm xúc rất riêng trong thời khắc giao mùa.

Mênh mang Tết phố

Người quê là vậy, còn người thành thị lại đón Tết theo nhiều cách khác nhau và đều có sự chuẩn bị từ trước. Có nhà lên kế hoạch bằng những chuyến du lịch đến những nơi yêu thích, có người tận dụng ngày nghỉ để đến với khoảng trời Tây, thậm chí có người quan niệm Tết chỉ là chuỗi ngày nghỉ làm việc, hoặc là thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, được gặp gỡ người thân, bạn bè. 

Ngày nay, không ít người thành thị đón năm mới bằng tất cả các dịch vụ sẵn có. Tan sở, mọi người vào siêu thị mua sắm đủ thứ cần thiết cho 3 ngày Tết. Khác với ở quê, họ không cần phải bận rộn với nấu bánh chưng, xay giò, chả... Ngược lại, người ta tranh thủ đi chúc Tết anh em nội, ngoại vào những ngày Tết cận kề. Nhiều người có thời gian hơn thì cùng bạn bè đến những điểm vui chơi, giải trí, sắm sửa hoặc đơn giản chỉ là đến chợ hoa để chụp hình, lưu lại những khoảnh khắc Xuân đáng nhớ.

Để trẻ em thành thị cảm nhận được hương vị Tết xưa, nhiều trường học đã tổ chức hoạt động gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả, cắm hoa… Trong ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Thiên Niên kỷ (Đồng Hỷ) tham gia gói bánh chưng.

Ngày 30 Tết, người thành thị cũng làm mâm cơm cúng gia tiên, đây mới là lúc mà mọi người cảm thấy bận rộn nhất. Ngày này thành phố như yên bình hơn, không còn cảnh dòng người chen chúc, ngược xuôi, cũng không còn tình trạng tắc đường, chen lấn vì một phần dân cư đã trở về quê ăn Tết. Đêm Giao thừa, người thành thị lại đổ ra đường để chiêm ngưỡng màn pháo hoa rực rỡ chào năm mới. Ngày Tết nhiều người đi chùa cầu an, bạn trẻ thì hẹn hò, tụ tập cùng vui Xuân...

Dù có nhiều điểm khác nhau song Tết quê - Tết phố đều tựu lại ở điểm chung - đó là trở về. Trở về để tưởng nhớ gia tiên, để sum họp gia đình, thể hiện lòng biết ơn vạn vật, đất trời đã nuôi dưỡng con người. Tết biểu hiện một tình cảm cộng đồng dân tộc sâu sắc, kết nối giữa các thế hệ, giữa quá khứ và hiện tại, không gì khác đó chính hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc. Lắng đọng nhất trong tôi vẫn là chiều cuối năm khi ai cũng dừng lại công việc để trở về bên mái ấm gia đình. Giây phút thiêng liêng ấy, con người như trở về với cội nguồn, trở về với chính con người thật của mình… rồi ngẫm nghĩ chuyện năm cũ, năm mới. Tết là một cuộc trở về.

Lưu Phượng