Và tôi, một người ở miền núi cố mường tượng sức mạnh khủng khiếp của cơn cuồng phong trái mùa giật tới cấp 15 khi quét qua hòn đảo nhỏ giữa trùng khơi. Hơn 90% cây xanh trên đảo bị tàn phá, con số đủ nói lên tất cả. Tin đưa: Không những gây thiệt hại lớn về cây xanh, bão còn làm tốc nhiều mái doanh trại, trường học và các công trình khác; hỏng 15 tấm pin năng lượng mặt trời; tốc mái trên 400m2 vườn và sập 1 vườn tăng gia; làm gãy đổ 2 trạm đo gió trên đảo… Điều may mắn nhất là mọi người trên đảo, trong đó có 84 ngư dân vào tránh trú bão đều an toàn. Sức mạnh, năng lượng của thiên nhiên là vô tận và khó lường, thực sự thử thách ý chí của những con người đang bám trụ ở nơi đầu sóng ngọn gió.
Quân và dân trên đảo Song Tử Tây khắc phục hậu quả của cơn bão số 9, tháng 12-2021. Ảnh: Nguyễn Hữu Phú.
Lựa lúc bão tan (biết được qua tin tức trên truyền thông), tôi gọi điện cho thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, người đang phụ trách Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây, để hỏi thăm anh và mọi người cũng như để rõ hơn tình hình ở đảo. Sóng liên lạc ngoài đảo còn yếu, tôi bấm gọi khá lâu mới có tín hiệu.
Qua điện thoại, giọng thầy Phú hòa lẫn tiếng gió, tiếng sóng biển gầm gào không ngớt: “Anh à, may là mọi người vẫn khỏe, an toàn cả. Đảo nằm trên đường đi của bão, gió mạnh quá. Hơn 3 năm ở đảo em chưa thấy trận bão nào lớn vậy, mọi người phải trú trong nhà bê tông, không dám hé cửa. Sóng cao hơn 10 mét trùm lên đảo, gió bão quật quã điên cuồng cả ngày, cây cối tan hoang. Quân và dân đang tập trung khắc phục, chắc khoảng 1 tuần thì các cháu mới trở lại học được, nhiều sách vở vẫn bị ướt…"
Song Tử Tây là đảo nổi có hình bầu dục, khi thủy triều xuống thấp, vị trí cao nhất của đảo là khoảng 4 mét, có giếng nước lợ và hệ thực vật khá phong phú. Quân dân trên đảo nhiều năm nay đã cơ bản tự túc được rau xanh và một phần sản phẩm chăn nuôi. Đảo có âu tầu với sức chứa hàng trăm tầu cá, có làng chài và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá nên là địa chỉ, điểm tựa tin cậy để ngư dân vươn khơi bám biển…
Cây Phong ba di sản, một báu vật trên đảo Song Tử Tây.
Nói về hệ thực vật trên đảo Song Tử Tây không thể không nhắc tới cây Phong ba - loài cây ngay từ tên gọi đã hiên ngang, kiên cường, được coi là biểu trưng cho tinh thần, ý chí của quân dân ta nơi quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Song Tử Tây còn có biệt danh là “đảo Phong Ba” vì có rất nhiều cây Phong ba tuổi đời hàng chục, hàng trăm năm, đã vững vàng qua bao mùa bão tố, đặc biệt nhất là một cây Phong ba khoảng 300 năm tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản… Vậy nhưng siêu bão Rai (cơn bão số 9) quá mạnh đã khiến nhiều cây Phong ba trên đảo đã bị gẫy đổ, bật gốc. Theo thầy Nguyễn Hữu Phú, ngay khi bão tan, mọi người tập trung khắc phục hậu quả mà một trong những việc cần kíp là “chữa vết thương” cho cây, dùng sức người dựng lại từng cây lớn nhỏ.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (bên phải) cùng thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc và học sinh trên đảo Song Tử Tây.
Tôi gặp thầy giáo Nguyễn Hữu Phú ở đảo Song Tử Tây đúng 3 năm trước; khâm phục ý chí, tình yêu của anh dành cho đảo qua những gì được tận mắt thấy tai nghe, qua nhiều bài báo viết về anh. Thầy Phú sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Gia cảnh khó khăn nên sau khi trải qua nhiều nghề kiếm sống anh mới được bước chân vào giảng đường sư phạm. Từ nhỏ, anh đã mơ ước đứng trên bục giảng và có một tình yêu đặc biệt với biển đảo quê hương. Vậy nên ngay khi tốt nghiệp, anh quyết tâm làm đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học.
Nghi lễ Chào cờ trên đảo Song Tử Tây.
Quê hương cũng ở miền Trung, cũng đã từng dạy học tại một số đảo ven bờ, không lạ gì sóng gió nhưng khi ra Trường Sa, thầy Nguyễn Hữu Phú mới cảm nhận hết “thời tiết khắc nghiệt” ở đây là như thế nào, mùa nắng thì như thiêu đốt, mùa mưa thì bão tố quật quã triền miên. Ngày bắt đầu ra đảo, chỉ mất khoảng 2 ngày để tầu Trường Sa 571 đưa anh và Đoàn công tác từ đất liền tiếp cận Song Tử Tây nhưng phải mất đến 2 tuần để chờ vào đảo.
Theo thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, Tết này trên các đảo vẫn đầy đủ bánh chưng, hoa mai, hoa đào như mọi năm dù đất liền đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (Ảnh chụp tháng 1-2019).
Nghe Phú kể, tôi nhớ lại thời điểm đoàn chúng tôi cập đảo Song Tử Tây cũng vào mùa biển động của 3 năm trước. Do đảo thuộc vùng có địa hình đặc biệt, sóng gió lại lớn nên tầu phải neo ngoài khơi nhiều ngày rồi chạy vòng vòng, lựa thời tiết, lựa luồng sóng để hạ xuồng. Lúc gió còn khoảng cấp 4 thì mọi người được lệnh xuống xuồng vào đảo, dẫu vậy nhưng một số cán bộ, chiến sĩ ra đón Đoàn vẫn bị xây xát chân tay đến chảy máu…
“Yêu sao những nụ cười Hồn nhiên giữa phong ba Mầm xanh đầy sức sống Kiên cường giữa đảo xa” ... “Con muốn về bên Mẹ Nhưng nhớ lại lời xưa Mẹ đã dạy cho con Tổ quốc luôn đứng trước” (Trích bài thơ “Giờ học ở đảo Song Tử Tây” và “Mùa Xuân ở Trường Sa” của thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, Giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). |
Đến Trường Sa, được thỏa mong ước bấy lâu, thỏa khát vọng cống hiến, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú dồn hết tâm sức, tình yêu thương cho học trò. Anh coi cán bộ, chiến sĩ, người dân và đặc biệt là các em nhỏ như người thân của mình. Ngoài kiến thức trong sách vở, anh hun đúc cho chúng tình yêu biển đảo quê hương qua những bài thơ, những câu chuyện lịch sử. Phú có tâm hồn thi sĩ, là một nhà thơ không chuyên, đến nay sau hơn 3 năm công tác ở đảo Song Tử Tây anh đã có hàng chục bài thơ, văn xuôi về Trường Sa, về biển đảo quê hương, phần nhiều đã được đăng trên các báo và tạp chí văn nghệ.
Năm 2022, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú tròn 40 tuổi. Có câu: Đàn ông 40 tuổi phải có sự nghiệp. Thầy Phú cũng đã có sự nghiệp, không phải vì danh vọng cao sang hay thành công về vật chất như nhiều người khác mà là những năm tháng anh được cống hiến, được “trồng người” ở một trong những nơi đặc biệt nhất Tổ quốc này. Phú chưa có gia đình riêng. Lần gặp ở đảo và sau này khi chúng tôi thỉnh thoảng liên lạc qua điện thoại, nhắc đến chuyện đó, anh chỉ cười mà rằng: Do duyên số anh à. Em đang hạnh phúc với gia đình lớn ở đảo!
Người đồng nghiệp cũng là người bạn đồng hành của thầy Nguyễn Hữu Phú hơn 3 năm qua ở đảo Song Tử Tây là thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1993), quê ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Thầy Ngọc cũng quyết tâm làm đơn tình nguyện ra đảo dạy học bởi tình yêu biển đảo quê hương cháy bỏng trong lòng. Có chuyên môn Tiểu học nhưng ra đảo anh lại dạy hệ Mầm non, ngoài những bài múa hát, những chữ cái và con số, người thầy đa tài này còn dạy học trò thổi sáo trúc và võ thuật cổ truyền. Anh tỉ mẩn sáng chế nhiều đồ chơi cho các em từ những vỏ thùng mỳ tôm, quả bàng vuông hay vỏ ốc biển…
Bão tan, biển trời lại hiền hòa. Quân và dân Song Tử Tây cũng như cả quần đảo Trường Sa trở lại nhiệm vụ và cuộc sống bình thường, không sờn lòng trước những khó khăn, vất vả, súng chắc trong tay canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để Trường Sa vững vàng trước phong ba bão tố, trước các thế lực ngoại bang có công lao, sự hy sinh không nhỏ của từng con người như thầy Phú, thầy Ngọc và tất cả những cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta trên các đảo. Với họ, và với chúng ta, Trường Sa luôn ở trong tim!