Nói điều này với cánh trẻ bây giờ, thể nào cũng nghe chúng bảo: “Ngày xưa biển chưa có cát như bây giờ…!”. Ừ, cứ cho là lớp người có tuổi hay hoài niệm, nhớ thương một thời ký ức. Ừ thì cuộc sống đi lên, tiếc làm gì những cái đã qua. Nhưng khi đã trải cuộc đời với đủ vui buồn, cay đắng, ngọt bùi, mái tóc đã nhuốm màu mưa nắng, thì những hoài niệm như một lẽ tự nhiên. Chỉ có điều cái cổ hủ nên bỏ và cái đẹp đẽ phải giữ gìn.
Tết đang cận kề. Nói như lũ trẻ thì Tết đã chạm hiên nhà rồi đấy. Trong cái không khí Tết đang len lỏi vào mỗi nếp nhà, chắc chắn trong mỗi người luôn bâng khuâng cảm xúc về những ngày này. Tết là dịp đặc biệt với mỗi người, mỗi gia đình và dân tộc. Nó thiêng liêng và trọng đại. Nó là sự giao hòa giữa thiên nhiên, tâm linh và tình cảm con người. Nó mang tính nhân văn, vị tha, bao dung, trân trọng truyền thống, hướng về cái mới ở tương lai.
Tết xưa, xưa ở đây ta tạm lấy mốc những năm bao cấp trở về trước, khi “cả đất nước còn gian khó đầy vơi”, công nhân và những người sống ở thành phố phải ăn gạo sổ và thực phẩm tem phiếu, thì Tết phải xếp hàng mới mua được mấy cân gạo nếp, vài ba cân thịt, mấy gói bánh, mứt, kẹo. Nông dân chuẩn bị thực phẩm cho Tết tự nuôi tự dùng, ngoài số lượng đã làm nghĩa vụ với Nhà nước. Vải may quần áo cũng phân phối theo đầu người.
Tôi sinh ra ở nông thôn, những năm 60 của thế kỷ trước, khi còn nhỏ tôi thấy Tết nào nhà cũng gói vài chục chiếc bánh chưng, bốn năm nhà “ăn đụng” một con lợn. Bánh kẹo không được phân phối thì tự làm kẹo lạc, chè lam, bánh khảo đón Tết. Việc sắm Tết những năm ấy diễn ra trước vài tháng trời, chứ không phải ghi tất cả những thứ cần mua ra giấy, vào siêu thị "nhặt" một buổi như bây giờ.
Những thứ hàng khô như: Miến, măng, muối, mắm, đường phên mua trước từng phiên chợ. Quần áo cũng phải mua vải, cắt may trước hàng tháng trời. Chợ Tết chủ yếu mấy thứ hàng nông sản. Con cháu có gói mứt Tết biếu bố mẹ, ông bà là sang lắm rồi, còn cô dì, chú bác chủ yếu là cân đường phên. Vật chất nghèo, bù lại tinh thần rất vui. Không khí những ngày áp Tết thật rộn ràng. Sáng sáng, tiếng lợn kêu từ các hướng. Ngoài suối, tiếng người rửa lá dong, người làm lòng lợn rổn rảng cười đùa. Trong làng, tiếng dao băm lách cách. Mùi gia vị, mùi xào nấu bay lên thơm nức. Căn bếp nhà nào cũng treo lủng lẳng vài cái giò xào, cả âu mỡ dự trữ ăn những ngày sau Tết.
Nếu như Tết xưa phải chuẩn bị trước hàng tháng thì ngày nay, tại các siêu thị bày bán đủ các loại mặt hàng Tết phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân.
Vô tư và vui nhất là bọn trẻ chúng tôi. Chưa đến Giao thừa đã lôi bộ quần áo mới ra mặc thử. Đứa nào mặc quần áo cũng dài rộng thùng thình vì bố mẹ còn "trừ hao" độ lớn, nhưng vẫn háo hức lắm. Sang ngày mồng Một, mồng Hai Tết, người lớn dắt trẻ con đi chúc Tết hết họ hàng, làng xóm, không bỏ sót nhà nào. Tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ chỉ là những đồng tiền mới 2 hào, 5 hào lấy may. Những ngày sau Tết là hội làng với trò chơi đu và các trò dân gian khác ở mảnh ruộng đầu làng. Tết xưa nghèo vật chất mà tinh thần gắn kết vui tươi. Gần đến Tết người người háo hức, mong chờ. Tết qua lòng ai cũng vấn vương tiếc nhớ.
Bây giờ, cách năm mới hàng tháng trời, màu Tết đã bùng lên trên khắp các ngả đường từ thành thị đến nông thôn. Nào bánh kẹo, quần áo, cây cảnh và hoa. Khu quảng trường Võ Nguyên Giáp , đường Nha Trang, Đội Cấn, Bến Tượng rực rỡ sắc Xuân của đào, mai và muôn loài hoa khác. Ai có sở thích ngắm cây, ngắm hoa có thể mải mê đi hết cả ngày.
Giờ cái ăn, cái mặc cũng không phải sắm dần như trước. Bánh mứt kẹo phong phú, đủ cả ta lẫn tây, tàu, đâu cũng bày bán, không phải chờ phân phối. Quần áo trẻ em, người lớn “trong vòng một nốt nhạc” vào chọn có ngay. Thực phẩm nếu muốn dùng cả tôm cua, đồ biển đủ hết. Khi đời sống lên thì dịch vụ cũng đủ đầy, chỉ nhấc điện thoại thì cần gì cũng có. Bánh chưng ư? Có ngay. Giò lụa? Cũng có. Một cây đào? Một bộ quần áo? Có tất. Trong nhà ai cũng có tủ lạnh thì lo gì ôi thiu. Mua một lần dùng cho cả Tết mấy ngày, chẳng phải cặm cụi mò đêm mò hôm xào nấu, gói ghém làm gì cho mệt. Cái sự ăn, sự mặc cho Tết bây giờ xem ra nhẹ tênh, chẳng đáng bận tâm nữa. Nó như bão hòa ngày thường cũng như Tết rồi.
Và hình như vật chất thời nay quá đủ đầy thì tình Tết lại vơi đi ít nhiều. Quê tôi giờ đường bê tông phẳng phiu, lũy tre xưa đã dần mất bóng. Nhà tầng mái ngói, mái tôn xanh đỏ muôn màu. Những cánh cổng sắt đã im ỉm đóng. Gần Tết không còn không khí rộn ràng mời nhau sang ăn lòng sốt như xưa. Nhà nào cũng có cành đào, cây quất trong nhà, nhưng số người đi chúc Tết nhau đã dần thưa vắng. Xưa chúc Tết cả xóm giềng, nay giới hạn lại chỉ trong họ hàng. Những trò chơi dân gian dịp Tết không còn nhiều nữa, thời gian bên nhau chuyện trò chẳng hấp dẫn lớp trẻ bằng chiếc điện thoại cầm tay. Chỉ mấy thao tác chúng đã có cả thế giới này. Có người được hỏi có thích Tết không? Họ bảo ngày thường có thiếu gì đâu mà mong Tết đến. Lại thêm cái lệ phải "chạy sô" đi chúc Tết mệt người. Chưa kể phải chi thêm bao khoản không tên tốn kém.
Tôi biết những người không thích Tết, nhưng đó chỉ là số ít, bởi trong tâm khảm mỗi người, một năm chỉ có một dịp Tết để gặp gỡ, quây quần. Một năm có một dịp để nhớ đến tổ tiên. Vật chất giàu có lên, thì gia đình, làng xóm càng có điều kiện để thêm gắn bó hơn. Chỉ khi vẫn yêu quý, trân trọng những gì đẹp đẽ của Tết xưa cùng điều kiện vật chất bây giờ mới đúng nghĩa của Tết. Mới được vui như Tết khi mỗi độ Xuân về.