Cập nhật: Thứ ba 01/02/2022 - 09:15

Dịch Covid-19 bùng phát kéo dài suốt cả năm 2020 - 2021 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi ngành kinh tế, trong đó tác động mạnh nhất đến ngành công nghiệp không khói - du lịch khi mà hầu hết các đường bay quốc tế bị đóng băng trong một thời gian dài.

Thống kê sơ bộ, năm 2021, các chỉ tiêu của du lịch Việt Nam tiếp tục giảm sâu hơn so với năm 2020. Cụ thể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2021 chỉ đạt 157.300 lượt, giảm 95,9% so với năm 2020, khách nội địa cũng chỉ 34,7 triệu lượt khách. Phần lớn các chỉ số tăng trưởng ngành du lịch Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, mọi hoạt động gần như bị đóng băng, các DN lữ hành phải đóng cửa tạm thời hoặc dừng hoạt động dẫn tới hàng triệu người lao động mất việc làm.

Ngay cả TP Hà Nội, một trong những thị trường chủ lực của ngành du lịch trong năm 2021 cũng chỉ đón được 4 triệu lượt khách nội địa (bằng 53% so với năm 2020). Tổng thu từ khách du lịch đạt 11.280 tỷ đồng (bằng 40% tổng thu năm 2020 và bằng 23% kế hoạch đề ra). Dịch Covid-19 còn khiến hơn 95% DN lữ hành quốc tế dừng hoạt động, công suất thuê chỉ đạt 5%.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là hướng đi cơ bản, xu hướng tất yếu giúp ngành du lịch phục hồi, từ việc tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới đến giải bài toán về nhân lực, giảm chi phí vận hành và đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn.

Nói như Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, nhờ công nghệ thực tế ảo, DN dễ dàng phân tích nhu cầu khách thích tìm hiểu gì, ở đâu, ăn món nào… Thực tế cho thấy, nếu những năm trước, câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số DN, thì nay Covid-19 trở thành đòn bẩy cho ngành du lịch "lột xác" có bước đệm phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới. Hiện hầu hết hệ thống khách sạn, resort 4 - 5 sao như Mường Thanh, Vinpearl, Central, FLC... đã số hóa các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chăm sóc khách hàng, tham gia vào hệ thống cung cấp phòng trực tuyến như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com...

Trong bối cảnh dịch Covid-19, một số địa phương cũng đã nhanh nhạy khi chuyển cách làm mới, thích nghi để tồn tại. Như Hà Nội đi đầu trong việc thu hút khách tham quan di tích bằng công nghệ số. Hiện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu trang trưng bày trực tuyến, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify…

Nhìn ra các nước, Nhật Bản đã xây dựng chiến lược quốc gia về chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển ứng dụng mobile, website quảng bá du lịch. Ngoài ra, nước này còn phát triển truyền thông quảng bá du lịch trên mạng xã hội, cung cấp thông tin phổ biến bằng tiếng Anh, ứng dụng công nghệ AI... Hay tại thị trường du lịch Trung Quốc cũng phổ biến ứng dụng công nghệ AI, tự động hóa, du lịch ảo ứng dụng công cụ kỹ thuật số...

Chính vì vậy, để thu hút khách du lịch trong trạng thái bình thường mới, phục hồi ngành công nghiệp không khói, các DN cần khẩn trương số hóa các nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là tài nguyên về văn hóa. Cùng với đó, tăng cường du lịch cộng đồng với sức hấp dẫn của văn hóa dân gian, vừa bổ trợ cho sản phẩm du lịch của các DN lớn, giúp người dân cải thiện sinh kế.


Theo Kintedothi.vn