Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và trong nước, thì việc tỉnh thu hút thêm nguồn vốn từ nhà đầu tư Samsung sẽ góp phần quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, cũng là lực hút để có thêm nhiều nhà đầu tư khác gia tăng nguồn vốn hoặc đến với tỉnh.
Nhìn lại những kết quả đạt được trong thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh những năm qua mới thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng mà công tác thu hút đầu tư mang lại. Đặc biệt là năm 2021, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước là 2,58%, thì Thái Nguyên đạt 6,51% (đứng thứ 17 cả nước); thu ngân sách Nhà nước xấp xỉ ngưỡng 18.000 tỷ đồng (cao nhất từ trước tới nay), bằng 146,5% so với kế hoạch Bộ Tài chính giao, nằm trong tốp 20 tỉnh, thành có số thu cao nhất.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2020, đứng thứ 4 cả nước. Giá trị xuất khẩu đạt trên 28,8 tỷ USD, tăng 2,4% so với kế hoạch, tiếp tục duy trì thứ hạng thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm phân bổ tất cả các nguồn vốn đầu tư nên kết thúc năm, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 143% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.
Cũng trong năm qua, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn trên 1 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn lên 170, với tổng vốn đã đăng ký trên 9,67 tỷ USD; 35 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 6.377 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư trong nước lên trên 800, với số vốn đăng ký trên 143 nghìn tỷ đồng...
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Gnonic Việt Nam, phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên).
Có thể khẳng định, kết quả trên cho thấy sự năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong việc thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Trần Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Danko - một trong những nhà đầu tư lớn đang triển khai dự án tại Thái Nguyên chia sẻ: Qua nhiều năm gắn bó với tỉnh, chúng tôi thực sự hài lòng với môi trường đầu tư của Thái Nguyên, bởi tính minh bạch và sự thân thiện. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như từng sở, ngành của tỉnh đều rất quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Riêng đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ đầu mối để các nhà đầu tư liên hệ, bất cứ lúc nào có vướng mắc, chúng tôi đều có thể gọi điện hoặc gặp trực tiếp để trao đổi và luôn được hướng dẫn nhanh chóng... Đây chính là yếu tố quan trọng để chúng tôi muốn tiếp tục gắn bó, triển khai thêm một số dự án trên địa bàn tỉnh, ngoài 2 dự án mà Tập đoàn sắp hoàn thành, đó là Dự án Danko City (T.P Thái Nguyên) và Dự án Danko Avenue (T.P Sông Công).
Năm 2022, một trong những mục tiêu mà tỉnh ta đặt ra đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%. Đây được xem là nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Để hoàn thành được mục tiêu này thì một trong những giải pháp mà tỉnh sẽ tập trung thực hiện đó là tiếp tục làm tốt công tác thu hút đầu tư.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ chung này, các sở sẽ tiếp tục làm tốt việc theo dõi, đôn đốc và tham mưu cho UBND tỉnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư vào tỉnh sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư. Từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu đầu tư; cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư; rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã theo kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và kế hoạch hỗ trợ kinh tế tập thể của Trung ương và của tỉnh…