Cập nhật: Thứ bẩy 05/02/2022 - 11:02
Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu thăm mô hình chè hữu cơ tại xã Phú Cường (Đại Từ).
Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu thăm mô hình chè hữu cơ tại xã Phú Cường (Đại Từ).

Vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, năm 2021, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên tiếp tục là “điểm sáng” giữ được tăng trưởng dương với nhiều chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Để rõ hơn những kết quả của Ngành trong năm qua, phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí PHẠM VĂN SỸ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT.

P.V: Đồng chí có thể cho biết những khó khăn mà ngành Nông nghiệp cũng như bà con nông dân phải đối mặt trong năm 2021?

Đồng chí Phạm Văn Sỹ: Năm qua, việc triển khai kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; giá vật tư đầu vào tăng cao trong khi giá bán sản phẩm nông sản xuống thấp, nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản truyền thống bị đứt gãy. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm cũng ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

P.V: Trước những khó khăn trên, Ngành đã triển khai các giải pháp gì để hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Sỹ: Để thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021, một mặt Ngành tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, tham mưu ban hành các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Mặt khác, Ngành đã chủ động, tích cực phối hợp tốt với các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Phương án Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021, Phương án Tăng trưởng giá trị sản xuất toàn Ngành và kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp trong điều kiện áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và thực hiện các chương trình, đề án về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Đồng thời chỉ đạo triển khai kịp thời các nhiệm vụ, như: Thực hiện tốt công tác đảm bảo vật tư; tu bổ, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi; gieo trồng tối đa các diện tích cây trồng theo kế hoạch; chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, không để lây lan trên diện rộng; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số gắn với phát triển các vùng sản xuất tập trung, các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP; tăng cường quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh...

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình chị Vi Thị Vân, ở xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.

P.V: Kết quả nổi bật mà ngành Nông nghiệp đã đạt được trong năm 2021 là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Sỹ: Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch công tác của ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương trong tỉnh, sự phối hợp của các ngành liên quan, năm 2021, các chỉ tiêu lĩnh vực nông nghiệp đều hoàn thành, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Cụ thể như: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (giá so sánh) đạt 14.647,2 tỷ đồng, tăng 4,18% so với cùng kỳ, đạt 104,5% kế hoạch; giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt (giá hiện hành) đạt 117,8 triệu đồng/ha, bằng 102,4% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 460,7 nghìn tấn, bằng 106,1% kế hoạch; sản lượng thịt hơi các loại đạt 156.720 tấn, bằng 107,3% kế hoạch; trồng rừng tập trung đạt 4.471ha, bằng 111,8% kế hoạch… Toàn tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch và 9 xã nông thôn mới nâng cao, đạt 112,5% kế hoạch.

P.V: Thưa đồng chí, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, khó khăn gì?

Đồng chí Phạm Văn Sỹ: Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế, đó là: Diện tích sản xuất nông nghiệp có sản phẩm an toàn được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ còn thấp (nhất là sản phẩm hữu cơ); thu hút đầu tư, nhất là thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu nông sản còn hạn chế; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, chưa có các chuỗi liên kết lớn.

P.V: Để khắc phục những tồn tại trên, giải pháp trọng tâm của Ngành trong năm 2022 là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Sỹ: Trong năm 2022, Ngành tiếp tục chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 về phát triển nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số; Đề án Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; Đề án Xây dựng nông thôn mới.... Cùng với đó là tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất an toàn, hữu cơ, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và mang tính bền vững; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lương Hạnh (thực hiện)