Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến thăm Nga ngày 7-2. Thủ tướng Hungary đã đến Nga đầu tháng 2 và dự kiến Thủ tướng Đức cũng đến quốc gia Đông Âu này trong những ngày tới.
Trong tuần này, khi phóng viên đặt câu hỏi về cuộc gặp riêng với Tổng thống Putin, ông Macron đáp: “Ưu tiên của tôi đối với vấn đề Ukraine là đối thoại với Nga và giảm leo thang căng thẳng. Tôi rất lo lắng về tình huống trên bộ hiện nay”.
Ngoại giao châu Âu từng giúp hạ nhiệt căng thẳng. Các cuộc đàm phán theo thể thức Normandy với sự tham gia hòa giải của Pháp và Đức vào năm 2015 đã giúp chấm dứt các cuộc xung đột quy mô lớn ở Ukraine, vốn bùng phát vào năm trước. Vào ngày 26-1 vừa qua, Paris đã tổ chức một cuộc gặp với các cố vấn tổng thống của Nga, Ukraine, Đức và Pháp. Các bên đồng ý sớm họp mặt lần nữa tại Berlin (Đức).
Chuyên gia Tatiana Kastoueva-Jean tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) đánh giá: “Việc có một kênh để bày tỏ quan ngại của châu Âu trực tiếp đến nhà lãnh đạo Nga là rất hữu ích”.
Bà Fiona Hill, một cựu nhân viên tình báo Mỹ về vấn đề Nga và Á-Âu đánh giá: “Tổng thống Putin có thể đã chiến thắng vì giành được sự chú ý của chúng ta”.
Nhà ngoại giao cấp cao của Nga Sergei Ryabkov, người dẫn đầu phái đoàn của Nga trong cuộc đàm phán an ninh vào tháng trước với Washington tại Geneva (Thụy Sĩ), cho biết gần đây Nga đang thiết lập chương trình nghị sự mà Mỹ và phương Tây đang thực hiện theo. Chúng tôi đã chớp lấy sáng kiến chính sách đối ngoại".
Nhà lãnh đạo Pháp Macron khẳng định châu Âu phải có tiếng nói trong cuộc khủng hoảng đang đe dọa sự ổn định của lục địa này. Tổng thống Macron và người đồng cấp Putin đã 3 lần điện đàm trong những ngày gần đây.
Tổng thống Macron gần đây thừa nhận thảo luận với Nga luôn luôn khó khăn. Ông đã nhiều lần cố gắng thiết lập mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Putin, thậm chí mời nhà lãnh đạo Nga đến Cung điện Versailles và dinh thự mùa Hè của ông tại Fort de Bregancon để thúc đẩy các cuộc đàm phán với Ukraine vào mùa Hè năm 2019.
Tổng thống Putin đáp lại bằng lời mời người đồng cấp Pháp Macron đến Nga nhưng dịch COVID-19 khiến kế hoạch bị trì hoãn từ năm 2019 đến nay.
Trước đây, Tổng thống Pháp từng bày tỏ ngờ vực về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trong năm 2019 thậm chí đánh giá khối quân sự này đang trải qua thời kỳ “chết não”. Nhưng vào ngày 5-2, sự hoài nghi biến mất khi ông Macron điện đàm với Tổng thư ký NATO và nhấn mạnh “cam kết của Pháp với khối quân sự này về an ninh của các đồng minh”.