Cập nhật: Thứ năm 10/02/2022 - 15:42
 Khu Vinwonders đông khách. Ảnh: Trần Mai Hưởng
Khu Vinwonders đông khách. Ảnh: Trần Mai Hưởng

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9/2 cho biết: Từ khi thực hiện Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam đến ngày 7/2/2022, nước ta đã đón được 8.967 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương là Kiên Giang (Phú Quốc), Khánh Hòa và Quảng Nam.

Cụ thể, lượng khách đến Phú Quốc (Kiên Giang) là 1.282 khách; Khánh Hòa đón 7.446 khách và Quảng Nam đón 239 khách. Các thị trường gửi khách chủ yếu là Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada... Đến nay đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.

Trong quá trình triển khai Chương trình thí điểm đã có 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (17 tại Phú Quốc, Kiên Giang và 10 tại Khánh Hòa) nhưng chỉ có 1 trường hợp phải điều trị y tế tại Rạch Giá (Kiên Giang), còn lại đều không có triệu chứng. Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 đều được xử lý theo đúng các quy định về hướng dẫn phòng, chống dịch, đảm bảo không lây lan cộng đồng và khách du lịch đã về nước an toàn.

Đáng chú ý là du khách đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí sôi động, hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Du khách hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, tin tưởng về các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như công tác đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, từ nay đến ngày 30/3/2022: Tiếp tục thực hiện Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế giai đoạn 2, tập trung mở rộng đối tượng đón, phạm vi đón khách (các địa phương đã tiêm phủ vaccine mũi 3, vùng xanh cho phép được đón khách); linh hoạt trong yêu cầu xét nghiệm, có thể xét nghiệm tại điểm đến (cơ sở lưu trú); mở rộng địa điểm du lịch (khách du lịch có thể đến các khu vực cho phép, không phân biệt khách nội địa với khách quốc tế, không hạn chế thời gian du lịch).

Từ ngày 31/3/2022 trở đi, mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ công bố thời điểm mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, về chính sách visa: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất miễn thị thực đơn phương đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ như thời điểm trước năm 2020 (trước khi dịch COVID-19 bùng phát); bao gồm miễn thị thực đơn phương đối với 24 quốc gia, vùng lãnh thổ và áp dụng thị thực điện tử cho công dân từ 46 quốc gia nhập cảnh vào Việt Nam.

Về quy định y tế đối với người nhập cảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế cập nhật các hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh; hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, xử lý ổ dịch phát sinh phù hợp với tình hình mới, phù hợp với quy định của nhiều quốc gia hiện hành để bảo đảm hội nhập quốc tế.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành hướng dẫn thủ tục nhập cảnh an toàn phòng, chống dịch để triển khai thống nhất tại các cửa khẩu đường biển, đường bộ và đường không trên toàn quốc, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn y tế của Việt Nam.

Đặc biệt, về chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ để sớm công nhận Chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ra nước ngoài du lịch.

Về kết nối hàng không vận chuyển khách du lịch, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất và phạm vi khai thác các đường bay quốc tế, nhất là với các thị trường trọng điểm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thống nhất áp dụng công nghệ chung (app điện thoại) trong việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho khách du lịch từ khi nhập cảnh và trong suốt quá trình du lịch. UBND các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị điều kiện để mở cửa hoạt động du lịch, điều hành thống nhất, giám sát chặt chẽ quy trình đón khách bảo đảm an toàn, có phương án xử lý tình huống y tế liên quan đến hoạt động du lịch; bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị và bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch


Theo Báo tin tức