Cập nhật: Thứ sáu 11/02/2022 - 07:12
Sản xuất than tại Công ty Than Khánh Hòa
Sản xuất than tại Công ty Than Khánh Hòa

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn và đã được tiến hành khai thác theo quy mô công nghiệp từ nhiều năm qua. Trong đó, có một số loại khoáng sản, như: Than đá, sắt, volfram, thiếc, vàng, đá vôi xi măng, ilmenit gốc, được khai thác hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động; hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Để tăng giá trị đối với ngành Khai khoáng, tỉnh Thái Nguyên có chủ trương chế biến chuyên sâu các loại khoáng sản...

Khoáng sản có trữ lượng lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên chính là than. Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 mỏ than nằm trong quy hoạch phát triển khoáng sản, với tổng trữ lượng trên 95 triệu tấn. Một số mỏ than trên địa bàn tỉnh đã, đang được khai thác đem lại giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, như: Phấn Mễ (trữ lượng gần 10 triệu tấn); Núi Hồng (trữ lượng khoảng 15 triệu tấn); Khánh Hoà (trữ lượng 70 triệu tấn).

Loại khoáng sản kế tiếp là quặng sắt với trên 30 điểm mỏ, điểm quặng với trữ lượng trên 34 triệu tấn. Nhưng lượng quặng sắt magenit hàm lượng Fe lớn hơn 55% chỉ chiếm khoảng 10 triệu tấn, còn lại là quặng sắt có hàm lượng Fe đạt khoảng 44%. Quặng sắt trên địa bàn tỉnh hiện đã được các doanh nghiệp Nhà nước là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và một số doanh nghiệp tư nhân khai thác và chế biến sâu.

Mặc dù trữ lượng không lớn như than và quặng sắt nhưng titan, volfram là 2 loại khoáng sản quý hiếm có tại tỉnh Thái Nguyên. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn có 1 mỏ titan, 17 điểm quặng phân bố ở xung quanh khu vực núi Chúa thuộc địa bàn 2 huyện: Phú Lương và Đại Từ. Trong đó, Mỏ titan Cây Châm (Phú Lương) có quy mô lớn nhất cả nước với trữ lượng khoảng 4,8 triệu tấn.

Ông Trương Đình Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi, đơn vị tham gia khai thác và chế biến titan, cho biết: Từ quặng, đơn vị chúng tôi đã luyện sỉ titan và gang hợp kim để nâng cao giá trị khoáng sản. Đặc biệt, sản phẩm titan tinh chất của Nhà máy đặt tại xã Động Đạt (Phú Lương) đã được nhiều khách hàng, trong đó có đối tác Nhật Bản tiêu thụ với khối lượng lớn.

Riêng khoáng sản vonfram tại khu vực xã Hà Thượng (Đại Từ) được xếp vào top những mỏ có quy mô trữ lượng lớn của thế giới. Với thành phần đa kim loại nên ngoài vonfram, khu vực này còn có các kim loại quý khác như florit, bismuth, đồng, vàng. Mỏ vonfram tại đây đang được Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo khai thác hiệu quả.

Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo đang khai thác hiệu quả mỏ vonfram tại khu vực xã Hà Thượng (Đại Từ) . Ảnh: T.L

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số khoáng sản kim loại như: Chì, kẽm, thiếc... đã được quy hoạch, phê duyệt điểm mỏ khai thác. Ví dụ như quặng chì kẽm tại khu vực Làng Hích (Đồng Hỷ) là một trong 2 mỏ ở Việt Nam được khai thác quy mô công nghiệp, có thành phần giàu kẽm và cadimi (Zn>25%).

Đặc biệt tỉnh Thái Nguyên còn có khoáng sản quý hiếm khác là vàng, phân bố tại khu vực Trại Cau – Bồ Cu (Đồng Hỷ) với trữ lượng khoảng 2.500kg  và ở Thần Sa - Khắc Kiệm (Võ Nhai). Việc khai thác vàng sa khoáng và quặng chứa vàng trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện qua nhiều thời kỳ và khu vực Thần Sa – Khắc Kiệm đã được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác công nghiệp. 

Bên cạnh đó, tiềm năng về đá vôi phục vụ sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng của tỉnh cũng có nhiều lợi thế khi các khu vực dự trữ đá vôi phân bố rộng ở 4 huyện, gồm: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, có chất lượng và quy mô lớn đủ cung ứng cho các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh.

Cùng đó là một số doanh nghiệp đã đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục cấp phép một số mỏ, điểm mỏ để khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh như: Mỏ thiếc Tây Núi Pháo (Đại Từ), điểm mỏ quặng sắt tại xóm Cây Bòng, xã La Hiên (Võ Nhai) và một số mỏ khai thác cát, đá để làm vật liệu xây dựng tại một số huyện, thành, thị...

Như vậy, có thể thấy, tiềm năng ngành khai khoáng của tỉnh rất lớn và khi lợi thế này tiếp tục được duy trì, phát triển sẽ có đóng góp lớn về kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động.

Văn Hiến