Cập nhật: Chủ nhật 13/02/2022 - 07:32
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đài Từ cùng với người dân xã Ký Phú kiểm tra rừng sản xuất. Ảnh: Lương Hạnh
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đài Từ cùng với người dân xã Ký Phú kiểm tra rừng sản xuất. Ảnh: Lương Hạnh

Sang Xuân, từng hạt mưa bụi lất phát bay cho cây cối trên đồi đâm chồi nẩy lộc. Trong những ngày đầu Xuân đầy hứng khởi, nhiều gia đình ở Thái Nguyên đã chủ động trồng cây để góp phần xây dựng “Một Việt Nam xanh” theo lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chia sẻ với chúng tôi về dự định phát triển khu vườn tạp của mình thành vườn cây với đủ loại hoa và trái cây ăn quả trong lòng thành phố, ông Lê Văn Ước, phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), cho hay: Vườn nhà tôi khá rộng nên năm nay tôi sẽ trồng thêm hơn chục gốc bưởi Diễn nữa. So với những trang trại, lượng cây được trồng mới trong vườn nhà tôi chỉ là con số nhỏ, nhưng như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói, tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị và nhiều khu vực nông thôn ở Việt Nam vẫn còn thấp so với mức tiêu chuẩn quốc gia, thấp hơn nhiều nước trên thế giới nên mỗi gia đình có ý thức trồng cây xanh khi Tết đến, Xuân về sẽ giúp không gian sống của chúng ta xanh, sạch và đẹp hơn…

Không riêng ông Ước, nhiều gia đình ở các khu đô thị trong tỉnh cũng tích cực trồng cây xanh ở ngay trong khu vực mình sinh sống. Bà Hứa Thị Hòa, môt người dân ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), nói: Gia đình tôi không có đất để trồng cây nhưng tôi vẫn mua vài cây Găng Tây về trồng ở lề đường trong khu vực mình sinh sống. Các hộ dân ở đây đều ủng hộ ý tưởng này của tôi. Găng Tây là loại cây tạo bóng mát, nhanh lớn và chịu được mưa, nắng, giá rét nên tôi tin chỉ hai năm nữa hàng cây này sẽ tạo tán và tỏa bóng mát cả đoạn đường khi Hè sang.

Có nhiều lợi thế về đất đai nên ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều hộ dân ở các khu vực nông thôn của Thái Nguyên cũng đã tích cực trồng cây xanh. Bà Lưu Thị Dậu, xóm 6, xã Bình Thuận (Đại Từ), cho biết: Gia đình tôi không có đất rừng nhưng có hơn 1 mẫu đất vườn tạp. Những năm trước, tôi đã quy hoạch từng khu trồng ổi, nhãn, vải…, năm nay, vợ chồng tôi trồng thêm hơn hai chục gốc na. Cây ăn quả chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình nên chúng tôi trồng cây mang tính chất phủ xanh đất trống là chính. Thời điểm này có mưa, độ ẩm cao nên trồng cây rất thuận lợi. Hôm nay mới được 1 tuần mà lá cây đã hồi xanh. Ngắm nhìn vườn cây xanh của gia đình, tôi càng thêm yêu cuộc sống và thấy chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh của nước ta thật có ý nghĩa.

Lãnh đạo 2 tỉnh Thái Nguyên - Long An và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trồng cây trong khuôn viên Bệnh viện, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ.

Trồng cây để tạo môi trường sống sạch, xanh đã được người dân ở Thái Nguyên duy trì nhiều năm nay. Hằng năm, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch và phát động Tết trồng cây vào dịp đầu năm nhằm vận động, khuyến khích các đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn tham gia tích cực vào việc trồng cây xanh phân tán và trồng rừng. 2 năm trở lại đây, khi phong trào trồng 1 tỷ cây xanh được phát động trên phạm vi cả nước thì phong trào nhà nhà, người người trồng cây xanh ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng. Không chỉ các cơ quan, đơn vị, địa phương mà cả các hộ dân cũng tự bỏ kinh phí, chủ động mua cây xanh và tổ chức thực hiện Tết trồng cây, trồng rừng đảm bảo thiết thực, tiết kiệm...

Khi nhà nhà, người người có ý thức trồng cây xanh, bảo vệ môi trường sinh thái thì hiệu quả mang lại hẳn là rất tích cực. Dù vậy, để phong trào này “ăn sâu, bén rễ” trong các khu dân cư, các bản làng thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân vẫn cần được chú trọng trong thời gian tới. Nhất là việc đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, để mọi người, mọi nhà trồng cây, để xanh đường, xanh nhà. Đây chính là nhận định của ông Hoàng Văn Dũng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Ông Dũng còn cho rằng, các hộ dân sau khi trồng thì cần phải chăm bón, đảm bảo tỷ lệ cây sống đạt cao thì mới thật sự mang lại hiệu quả thiết thực.

H.D