Đầu Xuân này trở lại Văn Hán, tôi như lạc vào miền đất lạ, nơi nào cũng mướt một màu xanh dịu dàng; khung cảnh nào cũng đủ cho tôi bấm một khuôn hình hấp dẫn.
Ngoài lúa, chè, cây lấy gỗ, cây ăn quả… làm nên đời sống kinh tế sung túc cho người dân, nơi đây còn có một mảng tài sản giá trị tinh thần quý giá được người Văn Hán nâng niu: Hệ thống đình, đền và bề dày truyền thống của mảnh đất lịch sử này.
Theo sử sách lưu lại, Văn Hán vài trăm năm trước là bạt ngàn rừng nguyên sinh, nhiều núi cao, suối sâu, dân cư thưa thớt. Khi con người sinh sôi, làng xóm đông dần lên, hình thành xã Văn Hán, nằm trong khu vực 2 tổng là Huống Thượng và Đồng Na (thuộc huyện Đồng Hỷ hiện nay). Năm Thành Thái thứ 3 (1901), triều đình nhà Nguyễn cho chia nhỏ, điều chỉnh, đổi tên một số đơn vị hành chính, thành lập tổng Vân Hán, nhưng chỉ ít lâu sau lại hạ xuống thành xã Vân Hán. Sau này, một phần đất của xã Vân Hán, xã Phổ Lý và làng Hòa Khê (thuộc tổng Huống Thượng) hợp thành xã Văn Hán bây giờ. Đó là lý do khiến nhiều người hiện nay nhầm lẫn tên gọi Văn Hán và Vân Hán.
Điểm đặc biệt về văn hóa tín ngưỡng của Văn Hán là trên địa bàn không có chùa như nhiều làng, xã Việt Nam khác. Ngược lại, hệ thống đình, đền ở đây khá đồ sộ. Ngôi đình lớn nhất của xã có tên đình Vân Hán, thờ Thành hoàng Cao Sơn Quý Minh và các vị thần có công hộ quốc an dân.
Ông Nông Văn Dưỡng, người trông coi đình Vân Hán, sau khi dâng hương báo cáo các vị thần linh về sự có mặt của chúng tôi, đã mang tập tài liệu quý ông luôn giữ bên mình ra cho chúng tôi xem và kể cho chúng tôi nghe về lịch sử đình Vân Hán. Những câu chuyện nửa thực nửa hư liên quan đến việc trước đây dân làng huy động 1.000 người di chuyển hòn đá Ông để đường vào đình dễ dàng hơn. Đến nay, một hòn đá khổng lồ, được cho là đá Ông, vẫn ở trước cửa nhà ông Nông Văn Nguyên, cách đình không xa.
Nằm biệt lập trên quả đồi lớn, đình Vân Hán mang vẻ thâm u, huyền bí. Xung quanh đình có nhiều cây cổ thụ, thân cây rêu mốc, dây leo chằng chịt, vài người ôm không xuể. Tài sản quý Đình đang lưu giữ là 3 đạo sắc phong của các triều vua Nguyễn (các năm 1854, 1908 và 1924). Do nổi tiếng linh thiêng, ở vị trí kín đáo nên năm 1951, Trung ương Đảng đã chọn nơi này để tổ chức hội nghị do đồng chí Trường Chinh chủ trì, bàn về chính sách thuế nông nghiệp.
Ngoài đình Vân Hán, trên địa bàn xã Văn Hán còn có nhiều ngôi đình khác thờ Thành hoàng Cao Sơn Quý Minh và các vị thần hiển linh ở địa phương, gồm: Đình Thịnh Đức, đình Cãng Thôn, đình Hòa Khê, đình Làng Cả, đình La Đàn, đình Vân Hòa, đình Làng Hỏa… Trong đó, đình Hòa Khê được vua Khải Định ban 2 đạo sắc phong vào năm 1917 và 1924. Đình Thịnh Đức (còn có tên khác là đình Na Đấu), thời kỳ hoạt động bí mật và kháng chiến chống thực dân Pháp, Đình là nơi diễn ra nhiều cuộc họp kín của cán bộ cách mạng, nơi dừng nghỉ của nhiều đơn vị bộ đội. Năm 2014, Đình được xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Đình Cãng Thôn lại là nơi các chức dịch làng xóm (thời phong kiến) tổ chức kết nghĩa, giao ước. Trong đó, giao ước phân công ngày mở cửa đình các làng sao cho không trùng nhau vẫn được xã Văn Hán duy trì đến nay.
Ngoài hệ thống đình, Văn Hán còn có nhiều đền thờ các vị thần có công phò trợ, giúp đỡ nhân dân.
Từ đình Vân Hán, chúng tôi men theo chân núi, đi khoảng 2km là đến đền Ngựa Trắng. Nơi này thờ một con ngựa gỗ sơn màu trắng, được coi là ngựa thần của thủ lĩnh chỉ huy nhóm người nổi lên chống lại sự hà hiếp của quan lại. Nghe kể, vào những đêm mưa gió, sấm sét dữ dội, dân làng thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng ngựa hí và khua vó vang trời. Con ngựa thờ tại Đền hiện nay do cụ Nông Văn Nhân ở xóm Vân Hán tạc từ năm 1925. Liên quan đến đền Ngựa Trắng còn có các địa danh: Ao Dựa Giáo, Vực Lửa, Vực Thần, núi Cấm…
Ông Nông Văn Dưỡng kể cho mọi người nghe về lịch sử đình Vân Hán.
Đã đến Văn Hán, không thể bỏ qua một địa điểm tâm linh khá đặc biệt nữa, đó là đền Giao Thủy. Khác với đền Ngựa Trắng ở chân núi bằng phẳng, chúng tôi phải lội qua con suối nhỏ, bám rễ cây mới leo lên được đền Giao Thủy. Đền ngự trên mỏm núi, giữa tán cây cổ thụ rậm rạp, thờ thần Thủy linh Đại vương và bộ phận cung cấp lương thảo cho toán quân trên núi Cấm. Anh Lý Trường Giang, Phó Bí thư Đoàn xã Văn Hán (người dẫn đường), chỉ cho chúng tôi xem 2 dòng suối chảy giao nhau trước Đền, một dòng nước trong và một dòng nước đục. Bất kể vào mùa nào trong năm, lúc khô hạn cũng như mưa nhiều, hai dòng nước vẫn một đục ngầu, một trong vắt như vậy. Đây cũng là điều bí ẩn chưa ai tìm được nguyên nhân của khu vực đền Giao Thủy.
Ngoài hệ thống đình, đền phong phú, Văn Hán còn là xã An toàn khu (ATK). Cũng như bao người Việt Nam khác, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân xã Văn Hán phải đi phu, đi lính và làm nhiều công việc tạp dịch nặng nhọc. Khi tướng quân Đề Thám phất cờ khởi nghĩa chống Pháp và lấy núi rừng Yên Thế làm trung tâm kháng chiến, nhân dân xã Văn Hán đã sát cánh cùng nghĩa quân Đề Thám chống quân xâm lược.
Thực dân Pháp phải thừa nhận “toàn bộ vùng Nam Thái Nguyên đều quy thuận Đề Thám và có thái độ chống đối rõ rệt các nhà cầm quyền Pháp và bản xứ” (Lịch sử Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học xã hội, 1989, tr79). Cuộc kháng chiến hơn 30 năm của nghĩa quân Đề Thám trong khu vực núi rừng Bắc Giang - Thái Nguyên có phần đóng góp của nhân dân Văn Hán. Đặc biệt, đêm 30 rạng ngày 31/8/1917, dưới sự lãnh đạo của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến, binh lính người Việt ở tỉnh lỵ Thái Nguyên đã nhất tề binh biến. Tuy nhiên, nghĩa quân chỉ giữ được tỉnh lỵ 6 ngày rồi phải vừa rút lui vừa chiến đấu. Quân khởi nghĩa đã hoạt động trên địa bàn xã Văn Hán theo hướng hành quân từ Phổ Yên lên Bảo Nang, Tràng Xá, mỏ Nà Dương, Đèo Khế (trước năm 1948, Đèo Khế nằm giữa 2 xã Phả Lý và La Hiên, thuộc 2 huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai).
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Văn Hán là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Đồng Hỷ xây dựng được cơ sở cách mạng và thành lập chính quyền nhân dân…
Tìm hiểu về lịch sử vùng đất, con người Văn Hán, tôi càng cảm nhận được vẻ đẹp nơi này. Mỗi ngôi đình, mái đền, dòng suối, con đường… đều mang một câu chuyện đáng nghe, đáng đọc.
Không chỉ giữ gìn di sản, người Văn Hán còn có ý thức xây đắp, tạo nên cảnh đẹp cho quê hương. Đó là những nếp nhà sàn truyền thống duyên dáng bên hoa đào; đó là đồi chè hình trái tim của đôi vợ chồng trẻ; đó là sách cổ và chữ viết của người Sán Chí; đó là những người trẻ như Lý Trường Giang đã sử dụng công nghệ 4.0 làm các chương trình quảng bá quê hương trên mạng xã hội…
Cùng những đồi chè bát úp xen lẫn rừng cây ăn quả xanh tốt, cụm di tích đình đền và vùng đất giàu nét văn hóa đặc sắc của Văn Hán đã làm chuyến du xuân của tôi thêm ý nghĩa, giúp tôi bắt đầu một năm mới đầy năng lượng tốt lành.