Cập nhật: Chủ nhật 20/02/2022 - 10:44
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, rối loạn đông máu là yếu tố tiên lượng nặng, là nguy cơ huyết khối động mạch và viêm tắc tĩnh mạch. Rối loạn đông máu hay gặp trên bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền các nhóm: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý máu, bệnh lý hẹp xơ vữa mạch.

Câu hỏi: Rối loạn đông máu có nguy hiểm không và vì sao cần theo dõi rối loạn đông máu ở người nhiễm COVID-19?

Trả lời:

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Xuân Trường, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện E, giảng viên bộ môn Nội thần kinh, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, rối loạn đông máu là yếu tố tiên lượng nặng, là nguy cơ huyết khối động mạch và viêm tắc tĩnh mạch. Rối loạn đông máu hay gặp trên bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền các nhóm: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý máu, bệnh lý hẹp xơ vữa mạch.

Các cục máu đông hình thành có thể gây đột quỵ nhồi máu não, nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành, nhồi máu động mạch phổi. Viêm tắc tĩnh mạch có thể xảy ở não, mạch chi.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp lâm sàng chưa có dấu hiệu của huyết khối, tắc mạch thì trên xét nghiệm, siêu âm mạch đã có biến đổi. Tỷ lệ phát hiện trên lâm sàng khoảng 20% ,tuy nhiên trên xét nghiệm và Doppler mạch khoảng 40%.

Vấn đề khó khăn là nhóm nguy cơ cao điều trị tại nhà cần được theo dõi xét nghiệm đông máu như nào, siêu âm mạch máu, chụp phổi khi nào để phát hiện sớm điều trị kịp thời rối loạn đông máu. Theo đó, cần chú ý mấy điểm sau:

Nồng độ D-dimer tăng cao được coi là một dấu hiệu quan trọng trong việc đánh giá nguy cơ hình thành huyết khối ở bệnh nhân COVID-19. Xét nghiệm phối hợp chẩn đoán xét nghiệm động máu có vai trò quan trọng đối với bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19.

Tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch cao ở bệnh nhân COVID-19 đi cùng với sự thay đổi các thông số xét nghiệm đông máu.

Tăng fibrinogen và D-dimers thường được quan sát thấy tương thích với tình trạng tăng đông máu và được coi là hai dấu hiệu quan trọng nhất.

Giảm Fibrinogen có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng rối loạn đông máu trở nên tồi tệ hơn.

Các dấu hiệu khác (thời gian thromboplastin từng phần được kích hoạt (aPTT), các yếu tố tiêu sợi huyết, yếu tố đông máu, thuốc chống đông máu tự nhiên, kháng thể kháng phospholipid và các thông số thu được bằng phương pháp đo huyết khối hoặc xét nghiệm tạo thrombin) đã được mô tả là bị rối loạn.

Khác biệt với đông máu nội mạch lan tỏa (DIC), D-dimer tăng kèm giảm số lượng tiểu cầu và tăng thời gian prothrombin (PT), hầu hết các xét nghiệm đông máu tiêu chuẩn ban đầu thường tương đối bình thường ở bệnh nhân COVID-19.

Cùng với tăng D-dimers, giảm đột ngột fibrinogen xuống dưới 1g/L cảnh báo bệnh nặng. Điều này cho thấy rằng việc theo dõi fibrinogen như một dấu hiệu tiên lượng ở bệnh nhân COVID-19 nhập viện.

Phát hiện sớm và xử trí rối loạn đông máu có thể coi là một phần rất quan trọng trong chiến lược quản lý điều trị tại nhà cho bệnh nhân COVID-19.

TNĐT (B/S)