Cập nhật: Chủ nhật 20/02/2022 - 15:58
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia cho rằng chiến dịch giải mật thông tin tình báo này là nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến trên mặt trận thông tin với Nga.

Theo Yahoonews, vào năm 2014, khi tình hình ở miền đông Ukraine căng thẳng, các quan chức Mỹ đã chọn công bố một số thông tin tình báo đáng lo ngại: Một chính trị gia lớn và là “bạn thân tín” của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân kêu gọi quân đội Nga hành quân tới thủ đô Kiev của Ukraine.

Theo lời kể của một cựu quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), chính trị gia Nga nói trên đã lập luận rằng: “Chúng ta cần chiếm Kiev, bởi vì chúng ta có thể, và sẽ không mất nhiều thời gian. Và còn cách thủ đô của Ukraine rất nhiều km nên chúng ta hãy tiếp tục”. Các chuyên gia CIA coi đó là mối đe dọa hợp pháp đủ để họ đưa nó vào “dây chuyền”.

Tất nhiên, Nga đã không phát động tấn công quân sự vào Kiev vào năm 2014 và thông tin tình báo về việc quan chức Nga đó ủng hộ tấn công toàn diện Ukraine vẫn được giữ bí mật.

Giờ đây, khi phương Tây ngày càng có nhiều lo ngại rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện Ukraine, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từ bỏ thái độ kín tiếng thường thấy của Mỹ đối với việc tiết lộ thông tin tình báo và đang theo đuổi một chiến lược chưa từng có: chiến dịch giải mật thông tin tình báo về các hành động của Nga ở Ukraine.

Trong những ngày gần đây, các quan chức Mỹ đã chỉ ra một số hoạt động mà họ cho là Nga đang tạo cớ để tấn công Ukraine. Trong số đó có các cáo buộc về cuộc tấn công hóa học tiềm tàng do Nga làm tác giả, được thiết kế để trông giống như hành động gây hấn của Ukraine. Tình báo Mỹ thậm chí còn cho rằng Nga có âm mưu tạo ra một bộ phim giả có cảnh hậu quả chết người trong một cuộc tấn công ở Ukraine. Các quan chức Mỹ cũng đã công khai nói rằng tình báo quân sự Nga chịu trách nhiệm về một hoạt động mạng gây gián đoạn tại Bộ Quốc phòng và các ngân hàng của Ukraine hồi đầu tuần này.

Theo các chuyên gia, bằng cách tiết lộ trước các kế hoạch của Nga trước khi chúng thành hiện thực, những thông tin này nhằm mục đích khiến Nga mất cân bằng và cho thấy rằng Mỹ có khả năng giám sát nhiều hành động của Nga.

Một cựu quan chức CIA cấp cao nói rằng vào cuối giai đoạn ông Donald Trump làm tổng thống, về mặt chiến lược, các cơ quan gián điệp Mỹ đã hiểu rõ hơn nhiều về những gì người Nga đang làm.

CIA từ chối bình luận về chiến dịch giải mật thông tin tình báo nói trên.

Mặc dù nhiều người ủng hộ nỗ lực giải mật, nhưng các cựu quan chức tình báo vẫn chia rẽ về việc liệu chiến lược của chính quyền Mỹ có thể thực sự thay đổi được điều gì hay không. Những nhận xét gần đây của Tổng thống Biden cho rằng Nga đã quyết định tấn công Kiev cho thấy Mỹ không có khả năng buộc Nga phải giảm leo thang.

Tuy nhiên, chiến lược này có những lợi ích khác, có thể khiến các chuyên gia phản gián của Nga phải mất thêm thời gian tìm các nguồn thông tin tình báo. Nhưng Nga cũng có thể xác định thành công các nguồn tin tình báo của Mỹ và cắt đứt.

Ông Michael van Landingham, cựu chuyên gia phân tích về Nga của CIA, cho rằng Mỹ đang giải mật thông tin tình báo chọn lọc mang tính phủ đầu.

Theo ông Dan Hoffman, cựu giám đốc CIA tại Moskva, phần lớn những gì tình báo Mỹ thu được về các hoạt động “cờ giả” của Nga có thể đã được Nga cố tình tung ra để thu thập thông tin từ các nỗ lực gián điệp của Mỹ. Ông Hoffman cho rằng chiến lược tiết lộ thông tin tình báo của chính quyền Mỹ là “con dao hai lưỡi và nó không chứng minh được rằng đã thay đổi được tính toán của Nga”.

Một số quan chức Ukraine cũng nghi ngờ về mục đích cuối cùng của thông tin tình báo mà họ nhận được. Mặc dù Mỹ và các đồng minh đang cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo về kế hoạch của Nga, nhưng một số quan chức Ukraine không biết chắc nên làm gì với thông tin đó.

Theo cựu quan chức CIA, các quan chức an ninh Ukraine bối rối về giải mã thông tin tình báo một phần là do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thiếu tự tin trong gải quyết khủng hoảng.

Các quan chức chính quyền Mỹ cũng có chung quan điểm này. Một cựu quan chức an ninh quốc gia vẫn liên lạc với các đồng nghiệp trong chính phủ cho biết: “Tương tác của họ với Kiev đã không có kết quả. Các quan chức chính quyền Mỹ hiểu rằng ông Zelensky đang cố gắng giữ cho nền kinh tế và chính phủ của mình không sụp đổ. Nhưng các quan chức Mỹ liên tục nói với những người đồng cấp Ukraine rằng có khả năng xảy ra tấn công”.

Về phần mình, Nga liên tục bác bỏ các thông tin đồn đoán, tin giả của phương Tây. Mới đây nhất, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, đã bác bỏ thêm một thông tin giả của tờ Politico rằng Nga có thể tấn công Ukraine sau ngày 20-2. Ông Peskov nói: “Có vẻ như người ta lại tạo ra một tin giả khác. Tôi hy vọng rằng ít nhất bạn và tôi sẽ không tin vào những thông tin giả dối như vậy”.

Ông Peskov cho biết từng có nhiều đồn đoán về ngày Nga tấn công Ukraine, thậm chí còn cụ thể hơn nhiều. Ông Peskov kết luận: “Tất cả đều là giả dối, tin giả vô trách nhiệm, nhưng không ai trong số các tác giả chịu thừa nhận họ đã sai”.


Theo Báo Tin tức