Cập nhật: Thứ tư 23/02/2022 - 09:39
Người dân chọn mua rau tại chợ Túc Duyên.
Người dân chọn mua rau tại chợ Túc Duyên.

Những trận mưa kéo dài, rét đậm xảy ra trên diện rộng suốt nhiều ngày qua ở các tỉnh miền Bắc đã tác động mạnh đến sản lượng và giá các mặt hàng rau xanh. Tại thị trường trong tỉnh, khoảng gần 1 tuần nay, giá rau xanh đã tăng mạnh, có loại đã tăng gấp đôi.

Theo khảo sát của chúng tôi trong hai ngày 21 và 22 -2 tại một số chợ truyền thống trên địa bàn T.P Thái Nguyên (như chợ Túc Duyên, chợ Thái, chợ Đồng Quang), lượng rau, củ cung ứng tới chợ ít hơn và chủng loại cũng không đa dạng như trước.

Bên cạnh đó, giá một số loại rau củ đã tăng 20-50% so với 1 tuần trước. Cụ thể như: Cải canh, rau cần có giá 35.000 đồng/kg, rau sống các loại có giá 40-50.000 đồng/kg; bắp cải tăng từ 7-8.000 đồng/kg lên 13-15.000 đồng/kg; cá biệt, hành lá tăng từ 20-25.000/kg lên khoảng 70-80.0000 đồng/kg; cà chua tăng từ 10.000 đồng/kg lên 20-23.000 đồng/kg, còn các loại củ quả như: Cà rốt, khoai tây, củ cải trắng, bí đỏ, bí xanh cũng tăng giá khoảng 10-20%…

Đáng chú ý, giá một số loại lá, củ, quả phục vụ hỗ trợ điều trị COVID 19 tăng đột biến như quả chanh từ 20.000 đồng lên 30.000-35.000 đồng/kg, gừng tăng lên 40.000-50.000 đồng/kg, sả từ 10.000-12.000 đồng lên 35.000 đồng/kg, tía tô 20.000-25.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương bán rau ở chợ Đồng Quang, chia sẻ: Do nguồn cung khan hiếm nên khi nhập vào giá rau đã cao, chúng tôi cũng không thể không tăng, vì thế lời lãi cũng chẳng được nhiều. Mấy ngày nay chúng tôi bán hàng khó hơn trước bởi thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh COVID cũng khiến người dân hạn chế đi chợ, kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cũng thắt chặt chi tiêu hơn.

Còn chị Nông Thị Ly, tiểu thương bán hàng ở chợ Túc Duyên, cho hay: Tuy giá các mặt hàng chanh, sả, gừng tăng lên gấp đôi, gấp ba so với trước nhưng rất đắt khách. Vì số ca mắc COVID-19 tại tỉnh ta sau Tết tăng cao nên nhiều người có tâm lý mua dự trữ những thứ này để xông phòng bệnh. Mỗi ngày, tôi bán được 40kg sả, gừng, chanh và gần 50 bó lá xông các loại.

Không riêng các chợ truyền thống, tại một số cửa hàng rau sạch, siêu thị trên địa bàn thành phố, giá một số loại rau lá cũng tăng khoảng 5-10%.

Chị Phạm Thị Ngọc Hà, Quản lý hệ thống Siêu thị Minh Cầu, cho biết: Do thời tiết khắc nghiệt nên rau sinh trưởng chậm, sản lượng rau lá mà một tổ hợp tác rau an toàn cung ứng cho chúng tôi sụt giảm và không đều. Do vậy, chúng tôi cũng chủ động điều chỉnh, nhập nhiều hơn các loại rau củ quả từ Sa Pa, Đà Lạt…

Tìm hiểu thực tế tại các vùng trồng rau, chúng tôi được biết do ảnh hưởng bởi mưa rét nên một số diện tích rau bị táp lá, úng thối rễ…

Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình), cho hay: Từ Tết đến giờ, hơn 20 ngày trời liên tục mưa nên đồng ruộng bị ngập thụt, chúng tôi phải bỏ trống không gieo trồng được gì. Còn với 2ha diện tích rau gieo từ trước Tết thì gần ngày thu hoạch lại mưa; các loại rau lá như mồng tơi, hành, cải cúc, cải ngồng bị thối rễ, táp lá, cà rốt bị nứt khoảng 30kg/1 tạ, su hào thâm đen khoảng 90%, xấu mã không thể xuất bán vào các siêu thị. Giá rau tăng cao nhưng Hợp tác xã không có nhiều để bán.

Ông Nguyễn Văn Khải, tổ 5 phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), buồn rầu chia sẻ: Nhà tôi gieo 2 sào cải ngồng từ sau Tết, nếu ấm áp thì 1 tháng là được thu rồi nhưng rét đậm thế này thì chắc phải gần 2 tháng. Còn với những diện tích rau khác mới gieo, tôi lo sẽ bị hỏng do rét.

Dự báo từ nay đến hết tháng 2, miền Bắc có mưa vài nơi, trời tiếp tục rét đậm, rét hại… Theo kinh nghiệm của tiểu thương và người trồng rau thì thời tiết này khiến rau chậm phát triển, khó thu hoạch, giá sẽ tiếp tục tăng nhẹ.

Thanh Phong