Tại xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, nhiệt độ giảm phổ biến dưới 5 độ C, ban đêm nhiệt độ xuống -2 đến -3 độ C. Tại tỉnh Sơn La, hơn 500 con gia súc bị chết do rét đậm, rét hại.
Trước tình hình rét đậm, rét hại còn kéo dài, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, giữ ấm cho gia súc.
Đến chiều 22-2, rét đậm, rét hại làm 13 con gia súc ở Lai Châu bị chết, tập trung ở hai huyện Sìn Hồ và Tân Uyên.
Trên địa bàn hai huyện Quế Phong và Kỳ Sơn (Nghệ An), rét đậm, rét hại cũng làm hơn 260 con gia súc bị chết. Mặc dù chính quyền và cơ quan chuyên môn đã tuyên truyền cho nhân dân phòng, chống đói rét nhưng số gia súc chết vẫn cao do một số xã thuộc vùng cao, người dân chủ yếu chăn nuôi trên rừng, không bảo đảm đủ ấm cho vật nuôi.
Ngày 21-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện về việc phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Theo đó, các địa phương cần cử ngay các đoàn công tác xuống địa bàn kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Trước thời tiết rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân 2021-2022, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương phía Bắc thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng, chống rét cho các loại cây trồng kịp thời. Cử cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, theo dõi sát tình hình biến động của thời tiết để khuyến cáo nhân dân; đối với diện tích lúa đã gieo cấy cần duy trì mực nước 2 đến 3 cm trên mặt ruộng để giữ ấm cho lúa, không để lúa chết úng hoặc chết khô do thiếu nước.
Người dân tuyệt đối không bón thúc đạm cho lúa khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 15 độ C.