Cập nhật: Thứ sáu 25/02/2022 - 07:37
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về căng thẳng giữa Nga và Ukraine, tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 15/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về căng thẳng giữa Nga và Ukraine, tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 15/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24-2 thông báo các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga nhằm phản ứng chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Các lệnh trừng phạt này sẽ bao gồm phong tỏa tài sản các ngân hàng lớn của Nga và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao tới nước này.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Điều này sẽ gây ra những tổn thất trầm trọng đối với kinh tế Nga ngay tức thì và trong dài hạn”. Ông Biden lưu ý rằng các biện pháp này được phối hợp cùng với châu Âu sẽ ngăn chặn các ngân hàng hàng đầu của Nga tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và “cắt giảm hơn một nửa mặt hàng nhập khẩu công nghệ cao của Nga”.

Tổng thống Biden tuyên bố các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí xúc tiến "các gói trừng phạt cứng rắn" và các biện pháp kinh tế khác nhằm buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho hành động quân sự này.  Ông cũng cho biết Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước tiêu thụ và sản xuất dầu lớn để đảm bảo chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu và bảo vệ người tiêu dùng. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định Mỹ đã chủ động hợp tác với các nước trên thế giới để đảm bảo việc giải phóng tập thể các kho dự trữ dầu chiến lược của các nước và Washington sẽ giải phóng thêm các thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của nước này nếu có điều kiện.

Đáng chú ý, Tổng thống Joe Biden cho hay, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không bao gồm việc loại Moskva khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Theo ông, các lệnh trừng phạt mới sẽ giới hạn khả năng của Nga trong việc giao dịch bằng đồng USD, euro và yen.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến bỏ phiếu nghị quyết do Mỹ soạn thảo về vấn đề Ukraine vào ngày 25-2 theo giờ New York. Tuy nhiên, nghị quyết sẽ khó có khả năng được thông qua do Nga là một trong 5 nước ủy viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết.

Trước đó, sau cuộc họp khẩn thứ hai của HĐBA LHQ diễn ra vào đêm 23-2 (sáng 24-2 theo giờ Việt Nam), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã cảnh báo rằng nếu một cuộc chiến tranh toàn diện xảy ra thì hậu quả về người và vật chất sẽ rất nặng nề cho cả thế giới. Ông khẩn thiết kêu gọi các bên cùng nhau nỗ lực không để một cuộc chiến xảy ra mà hệ lụy sau đó chắc chắn sẽ là những cuộc khủng hoảng.

Ngày 24-2, LHQ cũng quyết định tăng cường hoạt động hỗ trợ nhân đạo và ưu tiên các hoạt động bảo vệ người dân tại Ukraine. Tổng Thư ký Guterres đã dành 20 triệu USD từ quỹ cứu trợ khẩn cấp của LHQ để chi gấp cho công tác cứu trợ nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tối 24-2 đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cho biết, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Modi đã kêu gọi lập tức ngừng bắn và tất cả các bên cùng phối hợp nỗ lực để trở lại con đường đàm phán và đối thoại ngoại giao. Ông nhắc lại niềm tin lâu nay của mình rằng chỉ có thể giải quyết bất đồng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông qua đối thoại thẳng thắn và chân thành. Về phần mình, Tổng thống Putin đã thông báo ngắn gọn cho Thủ tướng Modi về những diễn biến gần đây liên quan đến Ukraine.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng bày tỏ những quan ngại của New Delhi liên quan đến sự an toàn của công dân Ấn Độ tại Ukraine, đặc biệt là các sinh viên. Ông khẳng định Ấn Độ dành ưu tiên cao nhất cho việc giúp các sinh viên nước này xuất cảnh và trở về an toàn. Cũng theo tuyên bố, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng các quan chức và đội ngũ ngoại giao của hai nước sẽ tiếp tục duy trì liên lạc thường xuyên về các vấn đề quan tâm hiện nay.


Theo Báo Tin tức