Ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà
Với những cán bộ ngành Y tế, thời gian ở bệnh viện thường nhiều hơn ở nhà. Thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát, cán bộ y tế phải làm việc cả ngày, mỗi tuần trực từ 1 đến 2 buổi. Vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, cán bộ y tế tuyến đầu hầu như không có ngày nghỉ.
Ngay tại các trạm y tế tuyến xã, có những hôm cán bộ y tế phải thức xuyên đêm để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Chị Ngô Thị Nụ, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), bộc bạch: Thời gian qua, Hùng Sơn trở thành một trong những điểm nóng của huyện khi có ngày số ca mắc COVID-19 lên đến trên 100 ca. Bởi thế, 9 cán bộ của Trạm phải làm việc rất vất vả để quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại nhà; lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 cho người dân... Hơn 1 tháng nay, chúng tôi phải trực chiến ở Trạm, thời gian được về với gia đình rất ít.
Ở tuyến xã đã vậy, tuyến huyện, tỉnh, Trung ương còn căng thẳng hơn rất nhiều khi hiện nay chỉ những ca bệnh chuyển biến xấu mới được đưa đến các cơ sở y tế để điều trị theo phân tầng. Bởi vậy, những y, bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị COVID-19 phải ở lại bệnh viện làm việc liên tục. Nhiều người đón Tết cùng bệnh nhân mắc COVID-19 trong bệnh viện.
Đơn cử như Bệnh viện Gang thép (Bệnh viện điều trị COVID-19 số 3 của tỉnh), phân công cán bộ trực tại khu vực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo ca. Theo đó, mỗi ca trực có 165 cán bộ (Bệnh viện có hơn 340 cán bộ), làm việc liên tục trong khu điều trị 1 tháng, sau đó sẽ đảo.
Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên (Bệnh viện Điều trị COVID-19) đang điều trị cho nhiều bệnh nhân trở nặng (thuộc phân tầng 2), phải thở oxy.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên (Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1), hiện đơn vị phân công 30 cán bộ/ca làm việc trực tiếp trong khu điều trị liên tục 10 ngày và được nghỉ 4 ngày. Khi được nghỉ, nhằm thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, các cán bộ này hầu như không về nhà mà nghỉ ngơi tại cơ quan.
Còn tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, từ trước Tết Nguyên đán 2022, khi Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 (là tuyến cuối điều trị bệnh nhân nặng) đi vào hoạt động, nhiều cán bộ đã “cắm” chốt trong khu điều trị, không có thời gian về tụ họp cùng gia đình.
Theo bác sĩ CKII Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới: Có 35 cán bộ được phân công trực tiếp điều trị bệnh nhân. Trong môi trường đậm đặc vi rút SARS- CoV-2, các cán bộ này chia làm 3 ca (8 tiếng/ca), 4 kíp làm việc liên tục trong vòng 1 tháng, sau đó được đảo ca và nghỉ ngơi 7 ngày. Phải thực hiện cách ly theo quy định nên họ cũng có rất ít thời gian cùng gia đình. Môi trường làm việc vất vả nhưng ai cũng yêu nghề, trách nhiệm với nghề. Đơn cử như các bác sĩ: Nguyễn Thị Mai Huyền, Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới; Nguyễn Văn Thắng và Bùi Công Thép, Khoa Cấp cứu…
Sẻ chia cùng đồng nghiệp
Khi nhiều bệnh viện điều trị COVID-19 được kích hoạt đồng nghĩa với việc các y, bác sĩ của nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phải làm việc với cường độ cao hơn. Không ít người dù được đặc cách không phải làm việc trực tiếp tại khu vực điều trị F0 vẫn viết đơn tình nguyện xung phong lên tuyến đầu làm nhiệm vụ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện Gang thép nói: Những cán bộ nữ có con nhỏ dưới 24 tháng, chồng công tác ở hải đảo… được ưu tiên, không phải tham gia điều trị F0 dài ngày. Tuy nhiên, nhiều cán bộ của Bệnh viện đã viết đơn tình nguyện đồng cam, cộng khổ với đồng nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm, tặng quà lực lượng y tế tuyến đầu nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Chia sẻ với chúng tôi về khoảng thời gian 1 tháng làm việc trong khu điều trị bệnh nhân F0, điều dưỡng Lê Thị Thu Trang, Khoa Nội tiết (Bệnh viện Gang thép) không nói về những khó khăn, vất vả mà chỉ chia sẻ về những kỷ niệm vui với bệnh nhân, nhất là những ngày đón Tết cùng người bệnh. Chị mới được thay ca từ ngày 12-2 (tức 12 tháng Giêng). Sau 7 ngày thực hiện cách ly theo quy định, ngày 19-2,chị mới trở về với gia đình và cô con gái 19 tháng tuổi.
Lý giải về việc viết đơn tình nguyện vào làm việc tại khu điều trị F0, chị Trang cho biết: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, ca bệnh tăng nhanh trong khi lực lượng y tế có hạn. Bởi thế, dù con còn nhỏ nhưng tôi vẫn được sự hỗ trợ của bố mẹ, của chồng nên đã mạnh dạn xin vào làm việc tại khu điều trị F0 để sẻ chia những khó khăn, vất vả với các đồng nghiệp.
Theo chị Đinh Thị Tâm, điều dưỡng viên Khoa Nhi, là người đã tình nguyện vào khu điều trị F0 cùng đợt với chị Trang dù đang có con trai nhỏ hơn 20 tháng tuổi, thì chăm sóc bệnh nhân F0, nhất là những bệnh nhân trở nặng rất cần sự sẻ chia, hỗ trợ giữa các đồng nghiệp. Khi cần, mọi người sẽ thay nhau hoặc cùng nhau xử trí các ca bệnh có diễn tiến xấu.
Chị Tâm cho hay: Ai cũng chọn phần việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ giành phần ai? Bởi thế tôi và các bạn có con nhỏ đều có ý thức phải biết hy sinh để cùng đồng nghiệp chiến đấu với dịch bệnh.
Tương tự, bác sĩ Trần Thùy Trang, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) dù có 2 con nhỏ vẫn xung phong vào khu điều trị trực tiếp tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 và làm việc xuyên Tết. Với chị, còn sức khỏe là còn cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hơn 3 tháng qua, nhiều cán bộ y tế phải xa gia đình, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà để tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Họ thấy vui và hạnh phúc khi bệnh nhân xuất viện. Chị Phùng Thị Bích, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Gang thép), dù có chồng đang thực hiện nhiệm vụ ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) vẫn xung phong vào làm việc tại khu vực điều trị F0, chia sẻ: Năm nay, cả hai vợ chồng ăn Tết ở cơ quan, 2 con đều trông cả vào ông, bà nội nhưng chúng tôi vẫn thấy vui vì đã góp được phần công sức của mình cho đất nước, quê hương. Điều khiến tôi và các đồng nghiệp cảm thấy hạnh phúc chính là sau những nỗ lực, vất vả của bác sĩ là sự hồi phục tích cực của bệnh nhân.
Có thể thấy, thời gian qua, dù chịu nhiều áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực, nhưng những "chiến sỹ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả - chữa bệnh cứu người. Bởi vậy, nhiều người dân Thái Nguyên mong muốn các cấp, ngành chức năng thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, điều chỉnh chế độ phụ cấp, tăng thêm cho nhân viên y tế một cách linh hoạt và phù hợp với thực tế hơn…