Cập nhật: Thứ hai 28/02/2022 - 07:57
Đến nay, 33% diện tích đất trồng chè của xóm Mỹ Lập, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã được lắp đặt hệ thống van tưới tự động
Đến nay, 33% diện tích đất trồng chè của xóm Mỹ Lập, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã được lắp đặt hệ thống van tưới tự động

Cuối năm 2021, xóm Mỹ Lập, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề chè truyền thống. Đó là kết quả của quá trình nỗ lực gìn giữ nghề làm chè, sự thay đổi tích cực trong khâu sản xuất và chế biến của người dân nơi đây. Bước sang năm mới với khí thế phấn khởi, người dân Làng nghề đã cần mẫn, lao động hăng say trên các nương chè với quyết tâm đưa mảnh đất chè nơi đây dần khởi sắc.

Đến xóm Mỹ Lập những ngày cuối tháng 2, đi thăm các nương chè, chúng tôi được thỏa sức ngắm những búp chè xuân đang căng mình trổ búp. Dừng cuộc trò chuyện rôm rả khi đang hái chè, chị Đỗ Thị Bảy phấn khởi: Nhà tôi vừa thu hái xong 1 sào chè VietGAP, được 82kg chè tươi, thương lái đến tận nơi thu mua với giá 63.000 đồng/kg, cao hơn bình thường từ 28-40 nghìn đồng/kg. Diện tích được thu hái này do nhà tôi đốn sớm nên ra Tết là chè đã lên bời bời. Hiện còn khoảng 5 sào nữa đang chờ thu hoạch, tôi giãn thời gian đốn chè để đảm bảo có chè xuân thu hái luân phiên và thuận tiện đổi công với các gia đình khác. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được 8 lứa chè, thu lãi 60-70 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Đức Huyền, Trưởng xóm Mỹ Lập thông tin: Xóm hiện có 154 hộ dân với 640 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Nùng chiếm 64%, còn lại là dân tộc Kinh. Từ những năm 1960, khi một số hộ dân của xã Linh Sơn (nay thuộc T.P Thái Nguyên) và tỉnh Hưng Yên đến xóm Mỹ Lập khai hoang mở đất định cư, họ đã biết trồng chè để sử dụng làm nước uống giải khát. Sau này, từ năm 1990-1999, cây chè đã được quan tâm và mở rộng diện tích, lên đến gần 12ha với các giống chè trung du được trồng trên đồi cao. Đến nay, toàn xóm có 19ha chè, trong đó chủ yếu là các giống chè lai năng suất cao với 82 hộ tham gia trồng chè.

Để nâng cao giá trị cây chè, những năm gần đây, người làm chè ở xóm Mỹ Lập đã được tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăm sóc, chế biến do phòng chức năng của huyện Đồng Hỷ tổ chức, nhiều hộ đã dần làm quen với quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, toàn xóm có 5ha chè VietGAP, trên 30% hộ làm chè sử dụng phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, một số hộ dân đã mạnh dạn mua sắm máy móc đưa vào khâu chăm sóc, chế biến, đóng gói, góp phần giảm sức người, tăng năng suất lao động. Hiện, xóm có 33% diện tích trồng chè được lắp đặt hệ thống van tưới tự động; 81% hộ dân sử dụng tôn quay inox; một vài hộ đã thu gom khoảng 1 tấn chè tươi/ngày về chế biến thành phẩm.

Chị Nông Thị Mười, một trong những hộ nhận thu gom chè tươi và có kinh nghiệm chế biến chè ngon của Làng nghề chè truyền thống Mỹ Lập, chia sẻ: Hiện nhà tôi chỉ có 2 sào chè cho thu hoạch nên thi thoảng tôi thu mua búp chè tươi của các hộ dân khác trong xóm để chế biến chè búp khô. Trồng chè cho thu nhập cao hơn so với nhiều cây trồng khác nên những năm gần đây tôi đã chủ động mua thêm các loại máy móc như máy vò chè, tôn quay điện, máy hút chân không để sản xuất. Tôi cũng mới san ủi gần 2 sào đất trồng keo trước đây để mở rộng diện tích chè của gia đình.

Những năm gần đây, qua tuyên truyền, người làm chè ở xóm Mỹ Lập cũng đã ý thức rõ được việc để chè địa phương có thương hiệu, được nhiều người biết đến thì ngoài kỹ thuật sao sấy, bảo quản thì nguyên liệu phải đảm bảo đạt các tiêu chuẩn khắt khe từ khâu chăm sóc, thu hái. Vì vậy, bà con đã dần nâng cao ý thức trong việc giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, gìn giữ cảnh quan, vệ sinh môi trường. Với việc Mỹ Lập mới được công nhận là Làng nghề chè truyền thống, bà con trong xóm cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước sẽ có thêm nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ về kiến thức, máy móc, định hướng xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã để các hộ thành viên ngày càng phát triển.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, Trưởng xóm Nguyễn Đức Huyền nói: Đó là trăn trở, mong mỏi của nhiều hộ dân khác trong xóm. Những năm qua, cây chè đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Trung bình thu nhập của các hộ làm nghề chè đạt gần 4 triệu đồng/người/tháng; tỷ lệ hộ nghèo trong khối các hộ làm chè chỉ còn 3/82 hộ (chiếm 3,7%). Thời gian tới, xóm sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn tập trung; nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng cho người làm chè để sản phẩm của Làng nghề được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Thanh Phong