Cập nhật: Thứ ba 01/03/2022 - 07:16
Bộ phận một cửa của UBND T.P Thái Nguyên đã bổ sung, thay thế kịp thời các vị trí F0 phải nghỉ tạm thời để bảo đảm giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo đúng quy định. Ảnh: Kim Oanh
Bộ phận một cửa của UBND T.P Thái Nguyên đã bổ sung, thay thế kịp thời các vị trí F0 phải nghỉ tạm thời để bảo đảm giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo đúng quy định. Ảnh: Kim Oanh

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 đến nay, số trường hợp F0, F1 là công chức, viên chức, người lao động tại các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh gia tăng khá mạnh. Tuy nhiên, với sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện nhiệm vụ, phần lớn các cơ quan, đơn vị đã giảm được tối đa những ảnh hưởng do thực trạng này, cơ bản các hoạt động vẫn duy trì ổn định...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh cho biết: Nếu như trong ngày 7-2 (tức mùng 7 Tết) - ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - tổng số trường hợp F0 trong khối cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh chỉ là 7 người, F1 là 79 người, thì đến ngày 25-2, số F0 đã tăng lên 230 người và F1 là gần 450 trường hợp. Điều đáng lo ngại là số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mắc COVID-19 đang tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu chững lại. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh đều có trường hợp F0. Có đơn vị số F0 lên tới vài chục người, cá biệt có nơi chiếm tới 3/4 quân số.

Theo lãnh đạo một đơn vị có nhiều F0 và bản thân cũng là F0 chia sẻ: Mặc dù toàn thể cán bộ, người lao động đều phải test nhanh và cho kết quả âm tính trước khi trở lại làm việc sau Tết, nhưng không may, đến ngày hôm sau, con của một cán bộ trong đơn vị mới biết bị nhiễm SARS-CoV-2 do lây từ bạn. Hai ngày sau, đơn vị cho kiểm tra lại thì đã có 15 người trở thành F0, còn lại là F1. Ngay sau khi có kết quả, chúng tôi đã báo cáo với tỉnh, cơ quan y tế để có biện pháp cách ly và giải pháp triển khai công việc. Các F0 được cách ly một chỗ và vẫn làm việc từ xa nếu bảo đảm sức khoẻ, F1 thực hiện cách ly ngay tại cơ quan. Chính vì thế, việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của chúng tôi vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, người đứng đầu đơn vị này cũng thừa nhận, một số hoạt động của cơ quan không tránh được sự ảnh hưởng, như việc đi cơ sở để giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch từ đầu năm bị chậm lại hay một số cuộc họp do tỉnh triệu tập cũng không có đại diện dự nên việc tham gia ý kiến vào các vấn đề có liên quan cũng như tiếp nhận thông tin có phần bị hạn chế…

Trong những ngày cách ly tại nhà, họa sĩ Đặng Thanh Hạnh, Báo Thái Nguyên (là trường hợp F1) ứng dụng công nghệ thông tin để trình bày các trang báo và chuyển qua mạng Internet ra Tòa soạn cho bộ phận in ấn. Ảnh: T.H 

Còn theo Chánh Văn phòng Sở T. (xin không nêu rõ tên) thì: Tính đến ngày 27-2, toàn Sở (gồm Văn phòng Sở và trên 20 đơn vị trực thuộc) đã ghi nhận trên 60 trường hợp F0 (chiếm 17% tổng số cán bộ) và rất nhiều F1. Đến nay mới có 6 F0 được điều trị khỏi và trở lại làm việc, còn lại đang thực hiện cách ly, điều trị tại nhà. Thực tế này đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn của Văn phòng Sở cũng như các đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng, các trường hợp F0 bảo đảm sức khỏe và toàn bộ F1 vẫn được huy động làm việc tại nhà, kịp thời kết nối, giải quyết công việc qua Zalo, điện thoại, thư điện tử… Riêng đối với các trường hợp F0, F1 làm việc tại bộ phận liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp, thì các phòng, trung tâm đều phải bố trí đủ cán bộ thay thế. Những người thuộc diện F2 vẫn đến cơ quan làm việc nhưng được yêu cầu hạn chế tiếp xúc và nghiêm túc thực hiện 5K.

Ông N.M.T, Giám đốc một trung tâm chuyên về công nghệ thông tin của tỉnh, cho rằng: Rất may, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai quyết liệt Chương trình chuyển đổi số tại tất cả các sở, ngành, địa phương nên việc triển khai công việc của nhiều cơ quan, đơn vị giảm được đáng kể sự lúng túng, khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với một số công việc, vẫn có những ảnh hưởng nhất định, trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin. Bình thường, việc hướng dẫn trực tiếp trong lĩnh vực này đã khó, nay phải hướng dẫn trực tuyến qua điện thoại, Facebook, Zalo… nên càng khó hơn. Trong một số trường hợp, chúng tôi buộc phải làm thay, khiến khối lượng công việc tăng lên. Do đây chỉ là tạm thời, nên anh chị em trong đơn vị đều động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cũng là một trong những cơ quan cấp tỉnh có nhiều cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện F0, F1 (chiếm 1/3 quân số), ông B.V.K, Giám đốc đơn vị chia sẻ: Mặc dù trước đó chúng tôi đã xây dựng kịch bản ứng phó với dịch nhưng thực tế diễn ra lại không nằm trong phương án, kịch bản nào. Chính vì thế, căn cứ vào tình hình thực tế, Ban lãnh đạo đơn vị sẽ đưa ra các biện pháp giải quyết công việc phù hợp, hiệu quả. Từ sau Tết ra đến nay, các thành viên trong Ban Giám đốc không tiếp xúc trực tiếp với nhau, đề phòng không may một hoặc hai trong số 3 người dương tính thì vẫn còn có người điều hành trực tiếp tại cơ quan. Cũng theo ông B.V.K, có trường hợp liên tục rơi vào tình trạng F1, nguy cơ trở thành F0 rất lớn, nên đơn vị buộc phải bố trí người làm thay. Vì thế, để tránh những sai sót không đáng có, đơn vị phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là ở những vị trí nhạy cảm…

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, do đó chắc chắn vẫn còn tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị phải cách ly, làm việc ở nhà. Trước thực tế này rất cần ý thức tự giác trong việc chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, cũng như tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ để dù có đang là F1, thậm chí là F0 nếu bảo đảm sức khoẻ, thì tất cả đều sẵn sàng thực hiện tốt nhất phần việc được giao, đóng góp vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của đơn vị, cũng như của tỉnh.

Thu Hằng