Hãng thông tấn Tass đưa tin nhà lãnh đạo Nga đã ký sắc lệnh này để triển khai các biện pháp kinh tế đặc biệt nhằm ứng phó với những hành đông thiếu thân thiện của Mỹ và đồng minh, đồng thời bảo về các lợi ích quốc gia của Nga.
Văn bản sắc lệnh được công bố trên trang web chính thức của Điện Kremlin.
Theo Tass, Tổng thống Putin ký sắc lệnh kinh tế đặc biệt "do những hành động của Mỹ, nước ngoài và các tổ chức quốc tế không thân thiện và đi ngược lại luật pháp quốc tế, cũng như có liên quan đến những hạn chế đối với công dân và thực thể pháp lý Nga". Sắc lệnh này cũng nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga và phù hợp với luật pháp Liên bang Nga.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng ban bố lệnh cấm người dân Nga gia hạn các khoản vay nước ngoài bằng tiền mặt từ ngày 1-3 và cấm người dân Nga chuyển ngoại tệ vào tài khoản hoặc gửi tiền tại các ngân hàng nước ngoài.
Điện Kremlin tuyên bố sắc lệnh kinh tế đặc biệt này sẽ không phải là đòn đáp trả duy nhất của Nga trước các đòn trừng phạt của phương Tây.
Cũng ngày 28-2, trong động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mới đây của các nước phương Tây, Nga đã ban bố lệnh hạn chế các chuyến bay của các hãng hàng không tới từ 36 nước và vùng lãnh thổ.
Hãng tin Ria Novosti cho biết cuối tuần qua các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm chống lại Nga liên quan tới chiến dịch đặc biệt của Moskva tại Ukraine. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm tất cả máy bay Nga, kể cả máy bay tư nhân, cất hạ cánh và bay qua không phận các nước EU.
Theo Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga, để đáp trả các đòn trừng phạt của châu Âu, Nga quyết định hạn chế hoạt động của các chuyến bay thuộc hãng hàng không tới từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuyên bố của cơ quan nói trên nêu rõ: “Phù hợp với qui định của luật pháp quốc tế, để đáp trả lệnh cấm của các nước EU nhằm vào hoạt động của các chuyến bay dân sự của các hãng hàng không Nga hoặc đăng ký tại Nga, chúng tôi áp đặt hạn chế hoạt động của các hãng hàng không tới từ 36 quốc gia”.
Trong số này, lệnh cấm có các hãng hàng không của Áo, Albania, Anguilla (vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh), Bỉ, Bulgaria, Virgin Islands (vùng lãnh thổ thuộc Mỹ), Vương quốc Anh, Hungary, Đức, Gibraltar (vùng lãnh thổ thuộc Anh), Hy Lạp, Đan Mạch, Ireland, Tây Ban Nha, Italy, Canada, CH Síp, Látvia, Litsva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Phần Lan, Pháp, Croatia, CH Séc, Thụy Điển và Estonia.
Các chuyến bay từ những nước nằm trong danh sách nói trên cần phải nhận được giấy phép đặc biệt do Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga hoặc Bộ Ngoại giao Nga cấp.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 26-2 cho biết, các lệnh trừng phạt chống Nga hiện nay có thể là lý do để Moskva xem xét lại quan hệ với tất cả các nước áp đặt trừng phạt.
Theo ông Medvedev, phương Tây cũng đang đe dọa phong tỏa tiền của các công dân và công ty Nga ở nước ngoài, điều này sẽ chỉ dẫn đến một sự đáp trả tương ứng, cụ thể là phong tỏa tiền của người nước ngoài và công ty nước ngoài ở Nga.
Ngân hàng trung ương Nga đã thông báo nâng lãi suất chủ chốt từ mức 9,5% lên 20%. Trong tuyên bố, Ngân hàng trung ương Nga nêu rõ đây là biện pháp khẩn cấp trong bối cảnh các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga "thay đổi mạnh". Biện pháp này sẽ đảm bảo tăng lãi suất tiền gửi lên mức cần thiết để bù đắp nguy cơ đồng nội tệ mất giá ngày càng lớn và các rủi ro về lạm phát.
Trong một nỗ lực khác nhằm hỗ trợ đồng ruble, Ngân hàng trung ương Nga và Bộ Tài chính Nga cũng đã yêu cầu các công ty xuất khẩu của nước này bán 80% doanh thu bằng ngoại tệ trên thị trường. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tỷ giá đồng rubble tại Sàn giao dịch chứng khoán Moskva giảm xuống còn 90 rubble đổi được 1 USD và 101,19 rubble đổi được 1 euro.
Đây là những bước đi mới nhất trong loạt biện pháp của Nga nhằm hỗ trợ thị trường nội địa, ổn định tài chính và giá cả, bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân.