Theo chân anh Vi Văn Liêm, Trưởng xóm Đồng Bầu đi thăm những cánh đồng lúa rộng hàng chục ha, chúng tôi nhận thấy mặc dù đến nay đã qua lịch thời vụ gần nửa tháng nhưng nhiều mảnh ruộng vẫn chưa được cấy. Thấy chúng tôi băn khoăn, anh Liêm giải thích: Do xóm không có công trình thủy lợi nên chỉ những chân ruộng thụt hoặc ruộng có thể kéo nước từ nhà ra bà con mới cấy được, còn lại phải chờ nguồn nước trời. Nếu thời gian tới không có mưa nhiều thì hộ phải bỏ ruộng cấy vụ này. Vụ chiêm xuân năm ngoái, do mưa ít nên diện tích đất bỏ không cấy lúa của xóm lên đến 60%.
Cũng bởi không cấy được lúa nên sau nhiều lần đắn đo, năm nay bà Hứa Thị Thanh quyết định chuyển 3 sào ruộng của gia đình sang trồng keo. Bà Thanh giãi bày: Gia đình tôi có hơn 1 mẫu ruộng nhưng 3 sào là chân ruộng cao, lại xa nhà nên không chủ động được nguồn nước. Dù gia đình đã chuyển từ cấy lúa sang trồng cây hoa màu, cây ngô nhưng hiệu quả đem lại cũng rất thấp, thậm chí nhiều vụ còn mất trắng. Cực chẳng đã tôi mới chuyển sang trồng keo, bởi tính ra sau 6-7 năm thì 3 sào keo thu chẳng được bao nhiêu.
Bởi không cấy được lúa nên sau nhiều lần đắn đo, bà Hứa Thị Thanh quyết định chuyển 3 sào ruộng của gia đình sang trồng keo
Không chỉ thiếu công trình thủy lợi mà giao thông đi lại của người dân Đồng Bầu cũng gặp không ít khó khăn. Cả xóm hiện mới chỉ đổ bê tông được 2,4/3km đường trục chính, còn lại các tuyến đường liên xóm, ngõ xóm với tổng chiều dài hơn 6km vẫn là đường đất. Qua đó ảnh hưởng đến việc đi lại và việc phát triển kinh tế của bà con nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân xóm Đồng Bầu, cho biết: Đoạn từ nhà tôi ra đến đường trục chính của xóm dài hơn 1km. Tuy nhiên, do là đường đất nên nếu trời mưa tôi chỉ có thể đi bộ, xe máy không đi qua được vì đường quá lầy. Cũng vì thế mà trước đây nuôi được con gà, con lợn, mỗi khi gọi thương lái đến mua rất khó, nhiều khi gọi cả tuần họ mới vào do trời mưa nhiều, đường trơn trượt, giá bán lại thấp hơn so với những nơi khác. Cũng bởi khó bán sản phẩm nên hiện nay gia đình tôi không còn chăn nuôi lớn nữa.
Trò chuyện với người dân xóm Đồng Bầu, chúng tôi còn được biết khoảng 2 năm nay trở lại đây, sinh hoạt của bà con còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng điện yếu. Anh Mạ Văn Sáng cho hay: Từ khi 5 xưởng sản xuất lâm sản trên địa bàn xóm đi vào hoạt động cũng kéo theo nguồn điện của xóm không ổn định. Vào các giờ cao điểm buổi trưa hoặc buổi tối, các thiết bị sinh hoạt trong gia đình tôi gần như không sử dụng được. Chúng tôi thường tranh thủ cắm cơm, bơm nước... vào thời điểm giữa buổi sáng và giữa buổi chiều.
Có thể nói những khó khăn trên đang là rào cản "níu" sự phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Nùng ở xóm Đồng Bầu. Cũng bởi kinh tế khó khăn nên nhiều năm nay, Đồng Bầu vẫn là xóm đặc biệt khó khăn duy nhất còn lại của xã Tân Thành. Xóm hiện vẫn còn 20 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng hơn 20 triệu đồng/người/năm.
Anh Vi Văn Liêm chia sẻ: Tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã, tại các buổi tiếp xúc cử tri nhưng những khó khăn của xóm vẫn chưa được giải quyết. Tôi cũng như bà con trong xóm rất mong các cấp, ngành chức năng quan tâm sớm xây dựng công trình thủy lợi, hỗ trợ cứng hóa các công trình đường giao thông, cũng như khắc phục tình trạng điện yếu. Có như vậy người dân Đồng Bầu mới có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.