Cập nhật: Thứ bẩy 05/03/2022 - 16:22
Hình ảnh từ vệ tinh Maxar ngày 27/2/2022 cho thấy sân bay Antonov ở thị trấn Hostomel, Ukraine bị phá hủy sau các trận oanh kích. Ảnh: AFP/TTXVN
Hình ảnh từ vệ tinh Maxar ngày 27/2/2022 cho thấy sân bay Antonov ở thị trấn Hostomel, Ukraine bị phá hủy sau các trận oanh kích. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters của Anh, Liên minh châu Âu (EU) đã cùng các nước thành viên Hội đồng Các quốc gia Biển Baltic (CBSS) đình chỉ các hoạt động của Nga và Belarus tại thể chế này.

Trong thông báo ngày 5-3,  EU nêu rõ quyết định này là nhằm phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine cũng như sự can dự của Belarus.

CBSS gồm các nước Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Iceland, Latvia, Litva, Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển.

Trước đó, trong phát biểu mới nhất trên truyền hình ngày 4-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các nước láng giềng của nước này không leo thang căng thẳng. Ông nêu rõ Moskva không hề "có ý đồ xấu đối với các nước láng giềng", đồng thời khuyến cáo các nước này "không nên leo thang tình hình và không áp đặt bất cứ hạn chế nào".

Tổng thống Putin khẳng định: "Chúng tôi thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ của mình và sẽ tiếp tục hoàn thành các nghĩa vụ... Chúng tôi không thấy cần thiết phải làm trầm trọng thêm hoặc xấu đi các mối quan hệ hiện có. Tất cả các hành động của chúng tôi, nếu có, đều chỉ nhằm đáp trả một số hành động không thân thiện và chống lại LB Nga”.

Theo hãng tin Interfax, ngày 5-3, Nga đã tuyên bố ngừng bắn một phần nhằm tạo điều kiện mở các hành lang nhân đạo cho dân thường rời khỏi các thành phố Mariupol và Volnovakha của Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo "quân đội Nga đã tạo lập các hành lang để thường dân sơ tán khỏi những vùng mà lực lượng Nga kiểm soát" và nước này đã thiết lập đơn vị liên bộ, ngành để điều phối các hoạt động nhân đạo ở Ukraine.


Theo TTXVN