Cập nhật: Thứ ba 08/03/2022 - 16:42
Rau, củ, quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX rau củ quả an toàn Dương Thành là một trong những sản phẩm lợi thế được huyện Phú Bình chú trọng đầu tư trong thời gian tới.
Rau, củ, quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX rau củ quả an toàn Dương Thành là một trong những sản phẩm lợi thế được huyện Phú Bình chú trọng đầu tư trong thời gian tới.

Chiều 8-3, huyện Phú Bình tổ chức Hội thảo để bàn các giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (gọi tắt là Đề án) gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương; các chuyên gia thuộc Đại học Thái Nguyên.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến đóng góp để huyện Phú Bình thực hiện Đề án một cách hiệu quả. Cụ thể như: Cần tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị, mang lại thu nhập cao cho người dân; tính toán cụ thể số lượng lao động được giải quyết việc làm khi tham gia vào sản xuất nông nghiệp; sản xuất theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường; xác định rõ đối tượng phục vụ, cung cấp; sản xuất theo nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; thay đổi tư duy sản xuất gắn với đầu ra của sản phẩm…

Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế được HĐND huyện Phú Bình thông qua ngày 19/12/2021, sau đó được UBND huyện ban hành và xây dựng kế hoạch thực hiện. Đề án tập trung thực hiện tái cơ cấu các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, sản lượng, giá trị… của cây trồng, vật nuôi.

Đồng thời xây dựng các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện như: Gạo nếp Thầu Dầu, gạo J02, rau quả sạch Nhã Lộng, rau an toàn Dương Thành, cá rô phi, đồ gỗ mỹ nghệ, các sản phẩm được chế biến từ quả trám đen… đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

Vi Vân