Ngược dòng lịch sử, vào tháng 2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã thông qua Nghị quyết xuất bản Báo Nhân Dân - cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Tại Chiêm Hoá (Tuyên Quang), số Báo Nhân Dân đầu tiên được biên tập và quyết định sẽ ghi xuất bản ngày 11/03/1951. Trong số báo này có đăng tải nhiều nội dung quan trọng, như Chính cương, Điều lệ của Đảng. Bài chính luận chính của đồng chí Trường Chinh lần đầu tiên công khai giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lãnh đạo của Đảng và của đất nước ta cũng được đăng tải trong số bào này. Cùng với đó là bài viết có nhan đề “Đại hội chúng ta…” của tác giả Thép Mới, giới thiệu những thông tin khái quát của tiến trình Đại hội Đảng lần thứ II, ý nghĩa lịch sử của sự kiện này.
Bản thảo số Báo Nhân Dân đầu tiên được đưa tới Nhà in Lê Hồng Phong, tại xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ. Trực tiếp đồng chí Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân thời điểm đó, đọc lại toàn bộ bản thảo, chỉ đạo việc in ấn, xuất bản và phát hành. Đây là sự kiện đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Cũng tại Nhà in Lê Hồng Phong, hai cuốn sách quý là: “Sửa đổi lối làm việc” của X.Y.Z (bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, được in, xuất bản và phát hành.
Trong suốt những năm tháng khó khăn, thiếu thốn của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bà con xóm Khuôn Nhà nói riêng và cả xã Quy Kỳ nói chung đã luôn kề vai sát cánh, hết lòng chăm sóc, bảo vệ an toàn cho Ban Trị sự Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) và Nhà in Lê Hồng Phong.
Anh Hoàng Văn Dũng, Trưởng xóm Khuôn Nhà kể: Hầu như năm nào cán bộ, phóng viên của Báo Nhân Dân cũng tổ chức về nguồn. Không ồn ào và khoa trương, các anh chị trở về thăm địa phương và bà con nhân dân với tình cảm chân thành, chia sẻ những câu chuyện gần gũi. Công trình lớp học do Báo Nhân Dân xây tặng nay cũng đã trở thành nơi sinh hoạt chung của xóm.
Trên cơ sở lợi thế về đất lâm nghiệp, xã Quy Kỳ đã đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất và các cơ sở chế biến gỗ nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Về phía người dân, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng tấm lòng và cả niềm tự hào của đồng bào nơi đây vẫn sâu đậm và mộc mạc như xưa. Khuôn viên di tích luôn được bà con quét dọn sạch sẽ; các hiện vật trưng bày được bảo quản và giữ gìn cẩn thận. Cô giáo Trương Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quy Kỳ thông tin: Chúng tôi có một điểm trường nằm ngay gần Di tích. Nơi đây vừa là sân vui chơi, cũng là địa điểm để các cô giáo chỉ dạy, giáo dục truyền thống cho các cháu ngay từ tuổi mầm non.
Vinh dự là địa phương có di tích lịch sử quan trọng đã được xếp hạng cấp Quốc gia, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Quy Kỳ đã và đang nỗ lực, cố gắng không ngừng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chủ tịch UBND xã Luân Đức Quỳnh nói: Dù vẫn là một xã nghèo nhưng Quy Kỳ đã có những bước tiến dài so với trước. Trong năm 2021, sản lượng lương thực của xã đạt 2.359 tấn; tổng đàn gia súc đạt 2.712 con, gia cầm là hơn 40.000 con. Với thế mạnh sẵn có về đất lâm nghiệp, Quy Kỳ đẩy mạnh phát triển diện tích rừng sản xuất, nhất là cây quế và các cơ sở chế biến tại chỗ để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ riêng năm vừa rồi, địa phương đã giảm được hơn 6,2% tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, vượt chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ xã đề ra.
Nói về Di tích nơi in và phát hành số đầu tiên của Báo Nhân Dân, người đứng đầu UBND xã Quy Kỳ hồ hởi: Chúng tôi rất vui khi khi biết thông tin sắp triển khai Dự án tu bổ và tôn tạo bia di tích cho xứng với tầm vóc; xây mới công trình nhà kết hợp trưng bày các hiện vật với mục đích phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng khu dân cư. Mấy tháng trước, bà con xóm Khuôn Nhà đã chủ động đóng góp tiền đối ứng để giải phóng mặt bằng, mở rộng đường vào và khuôn viên của di tích. Trong chương trình về nguồn lần này, Báo Nhân Dân sẽ dành những suất học bổng ý nghĩa cho các học sinh tiêu biểu trên địa bàn. Đây là tình cảm và niềm động viên rất lớn để các cháu tiếp tục vươn lên trong học tập, lĩnh hội kiến thức và kỹ năng phục vụ sự phát triển của xã nhà.