P.V: Xin ông cho biết, việc giá xăng, dầu tăng sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam, vốn chỉ đang từng bước phục hồi sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19?
PGS.TS Đỗ Anh Tài: Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, chiếm 37% trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế. Khi giá xăng, dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Trong khi đó, xăng, dầu là một trong những nhiên liệu thiết yếu và có tác động trực tiếp và gián tiếp đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế.
Theo thống kê, chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất. Khi giá xăng, dầu “leo thang” sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng cao và dẫn đến tình trạng lạm phát. Theo ước tính, nếu giá xăng, dầu tăng 10% có thể khiến tình trạng lạm phát tăng thêm 1% và đẩy chi phí tiêu dùng lên 0,3-0,4%. Đây chính là nguy cơ rủi ro đối với sự phục hồi của nền kinh tế, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
P.V: Ảnh hưởng đối với Thái Nguyên thì sao, thưa ông? Liệu kinh tế - xã hội của Thái Nguyên có bị ảnh hưởng lớn bởi các đợt tăng giá xăng, dầu liên tiếp hay không?
PGS.TS Đỗ Anh Tài: Thái Nguyên dù không có nhiều lĩnh vực, ngành nghề trực tiếp sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu cho sản xuất nhưng lại dùng nhiều cho khâu vận chuyển, logistic và các hoạt động khác. Như vậy, chúng ta không nằm ngoài vòng tác động của giá xăng, dầu hiện nay.
Trước mắt có thể thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 500 đơn vị, doanh nghiệp vận tải hành khách, với hơn 3.000 đầu xe và 1.600 đơn vị vận tải hàng hóa, với trên 3.500 đầu xe đang đứng trước sự lựa chọn hoặc tăng giá cước, hoặc chấp nhận lỗ, thậm chí ngừng hoạt động.
Ngoài ra, chi tiêu cho xăng, dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng, dầu tăng cao, hầu hết các gia đình sẽ phải cơ cấu lại và thắt chặt chi tiêu hơn, khiến tổng cầu giảm đáng kể, thị trường tiêu dùng nội tỉnh bị ảnh hưởng không nhỏ.
Biến động giá xăng, dầu từ năm 2015 đến nay.
P.V: Rõ ràng, ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, dầu là rất lớn và gây ra thách thức không nhỏ cho sự phục hồi nền kinh tế. Nhưng, hẳn chúng ta vẫn có giải pháp cho vấn đề này, thưa ông?
PGS.TS Đỗ Anh Tài: Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao do biến động của thị trường thế giới, Quỹ bình ổn xăng, dầu lại không còn dư địa để hỗ trợ thì Liên bộ Công Thương - Tài chính cần có động thái xem xét, cân nhắc giảm các loại thuế, phí trên giá xăng, dầu (phí môi trường, phí nhập khẩu...) để kích thích và hỗ trợ tăng trưởng. Bởi hiện mỗi lít xăng đang "cõng" khoảng 10.000 đồng tiền thuế các loại. Về dài hạn, nhà chức trách cần nghiên cứu lại cách thức điều hành hiệu quả Quỹ bình ổn giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường tự do.
Hiện, lượng xăng, dầu trong nước đã chủ động được trên 70%, nhập khẩu khoảng 28-30%. Để đảm bảo nguồn cung ứng xăng, dầu trong nước về lâu dài, chúng ta phải hình thành một kho dữ liệu về xăng, dầu và kho dự trữ xăng, dầu quốc gia để đảm bảo được nguồn dự trữ trong khoảng một thời gian dài nhất định. Đồng thời, chuyển đổi thị trường xăng, dầu minh bạch, đảm bảo bình ổn, đảm bảo an ninh năng lượng.
Đặc biệt, việc sử dụng tiết kiệm nhiên liệu cần tiếp tục được doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm thực hiện triệt để hơn nữa. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng các phương án tái cơ cấu để tiết kiệm tối đa chi phí nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh thất thoát, lãng phí trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Chính quyền và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường tránh để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ nhằm thu lời bất chính.
Xin cảm ơn ông!