Cập nhật: Thứ bẩy 12/03/2022 - 08:32
Đội QLTT số 2 kiểm tra một quầy thuốc trên đường Hoàng Văn Thụ.
Đội QLTT số 2 kiểm tra một quầy thuốc trên đường Hoàng Văn Thụ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu về các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế, thuốc tân dược phục vụ phòng, chống dịch tăng cao. Để bảo đảm trật tự thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, T.P Thái Nguyên chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngày 28-2 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh, sửa chữa điện thoại di động Sơn Hương tại tổ 4, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 100 hộp thuốc điều trị cúm có nhãn ghi bằng tiếng Nga (ARBIDON), không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa ước tính gần 38 triệu đồng.

Chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Đội Quản lý thị trường số 2 (QLTT) đã xử phạt chủ cửa hàng với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 37,5 triệu đồng và thu giữ toàn bộ số hàng hóa này để xử lý theo quy định.

Ngoài vụ việc trên, trong đợt cao điểm từ đầu năm đến nay, Đội QLTT số 2 đã kiểm tra và thu giữ nhiều hàng hóa là trang thiết bị vật tư y tế, thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về niêm yết giá bán…

Qua đó đã phát hiện, xử lý 36 trường hợp vi phạm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 330 triệu đồng.

Ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh), cho biết: Trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có khoảng 200 cửa hàng, cơ sở kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế, thuốc tân dược. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện có nhiều cá nhân, cơ sở, đơn vị đã lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp để kinh doanh, buôn bán vật tư y tế nhập lậu, không rõ nguồn gốc với hình thức chủ yếu là bán hàng online. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Đội QLTT số 2 đã thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ lĩnh vực kinh doanh này nhằm phát hiện các hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Bên cạnh các mặt hàng vật tư y tế, Đội QLLT số 2 cũng tăng cường kiểm tra thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Kết quả kiểm tra cho thấy các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn đều có kế hoạch cung ứng đủ hàng hóa và cam kết thực hiện bình ổn giá đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Do đó, mặc dù thị trường bên ngoài có biến động về giá do nhu cầu tiêu dùng tăng cao nhưng tại các siêu thị lớn, hàng hóa vẫn được giữ giá ổn định, tạo tâm lý yên tâm cho khách hàng.

Chị Trần Thị Thu Hiền, Siêu thị Lan Chi, cho biết: Siêu thị đang có trên 20.000 mặt hàng, trong đó có khoảng 6.000 mặt hàng là hàng hóa thiết yếu. So với mọi năm, thời điểm này nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu như: Dầu ăn, bột giặt, mì tôm… của người dân tăng cao hơn. Tuy vậy, Siêu thị vẫn cam kết bình ổn giá các mặt hàng.

Cùng với 2 nhóm hàng hóa trên, Đội QLTT số 2 cũng đang tập trung kiểm tra, giám sát tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Đến nay, 100% cửa hàng kinh doanh (với hơn 40 đơn vị) xăng dầu trên địa bàn T.P Thái Nguyên đều đã ký cam kết chủ động đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân; duy trì mở cửa kinh doanh theo đúng quy định, không tiêu thụ xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Kim Oanh